Địa điểm nhà Mẹ Nhu và bảy dũng sĩ Thanh Khê

Địa điểm nhà Mẹ Nhu và bảy dũng sĩ Thanh Khê
Lịch Sử
Khởi Công Không rõ
Hoàn Thành Không rõ
Nằm trong con hẻm nhỏ đường Trần Cao Vân (phường Thanh Khê Đông), di tích Nhà Mẹ Nhu có diện tích 636m2, bao gồm nhà lưu niệm, phần mộ hai vợ chồng và một tấm bia ghi lại sự hy sinh cao của Mẹ cùng cuộc chiến đấu gan dạ, mưu trí của 7 chiến sĩ biệt động quận Nhì (Đà Nẵng) ngày 26-12-1968.

Chi Tiết Về Địa điểm nhà Mẹ Nhu và bảy dũng sĩ Thanh Khê

Địa điểm nhà Mẹ Nhu và bảy dũng sĩ Thanh Khê Chi Tiết Cấp Quốc Gia

Nằm trong con hẻm nhỏ đường Trần Cao Vân (phường Thanh Khê Đông), di tích Nhà Mẹ Nhu có diện tích 636m2, bao gồm nhà lưu niệm, phần mộ hai vợ chồng và một tấm bia ghi lại sự hy sinh cao của Mẹ cùng cuộc chiến đấu gan dạ, mưu trí của 7 chiến sĩ biệt động quận Nhì (Đà Nẵng) ngày 26-12-1968. 

Mô phỏng một căn hầm bí mật tại di tích lịch sử quốc gia
Mô phỏng một căn hầm bí mật tại di tích lịch sử quốc gia "Địa điểm nhà Mẹ Nhu". Ảnh: H.L

Mẹ Nhu tên thật Lê Thị Dảnh (một số tài liệu ghi Lê Thị Đảnh hoặc Dãnh), sinh năm 1912 tại làng Thanh Khê, trong một gia đình nghèo chuyên nghề chài lưới. Từ năm 1967, gia đình mẹ đã đào giữa nhà 2 căn hầm bí mật, làm nơi trú ẩn an toàn, tin cậy của các chiến sĩ biệt động quận Nhì.

Đêm 23-12-1968, sau khi tập kích đồn bảo an Phú Lộc, một số chiến sĩ quận Nhì được cơ sở đưa về bố trí ở tại nhà Mẹ Nhu, Mẹ Hiền (tên thật Lê Thị Hiền). Tuy nhiên, do bị tên Lữ Hùng phản bội, chỉ điểm, nên khoảng hơn 5 giờ ngày 26-12-1968, quân địch đã bao vây, khống chế các lối ra vào nhà Mẹ Nhu nhằm bắt sống, tiêu diệt các chiến sĩ biệt động.

Ở nhà Mẹ Nhu, chúng ập vào bắt, tra hỏi anh Long (tức Phạm Phú Long), con trai mẹ nhưng không khai thác được gì nên đánh đến bất tỉnh rồi bỏ lên xe chở đi. Quá cay cú, bọn chúng quay sang đánh đập, tra khảo Mẹ. Sau một thời gian không khai thác được gì, chúng quyết định xả súng vào Mẹ Nhu để thị uy sức mạnh.

Lúc bấy giờ dưới hầm nhà Mẹ Nhu có 3 đồng chí Nguyễn Thị Tám, Trần Văn Huề, Trần Thanh Trung đã chuẩn bị sẵn sàng tư thế, bật nắp hầm, nhảy lên chiến đấu, diệt và làm bị thương nhiều tên địch. Tại nhà mẹ Lê Thị Hiền gần đó, 4 chiến sĩ khác gồm Trần Chi, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Đình Năm, Nguyễn Văn Phương cũng bắt đầu đánh trả quyết liệt, tiêu diệt nhiều tên địch, vượt qua nhiều vòng vây trở về vùng căn cứ. Riêng 2 chiến sĩ Trần Chi và Võ Văn Năm trong lúc tìm cách thoát về căn cứ đã bị lạc, nằm lại bàu Phú Lộc, bị địch bắt và đưa đi đày tại Côn Đảo.

Trận phản kích của 7 chiến sĩ biệt động quận Nhì là trận đấu điển hình của lực lượng cách mạng diễn ra ngay trong vùng địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Năm 1985, trên nền nhà cũ, địa phương xây dựng căn nhà lưu niệm Mẹ Nhu. Nhà lưu niệm xây kiểu nhà cấp 4, có bố trí tủ thờ đặt đồ tế tự và di ảnh Mẹ Nhu. Phần không gian còn lại trưng bày nhiều hiện vật tiêu biểu liên quan đến mẹ, 7 dũng sĩ Thanh Khê và sa bàn trận phản kích của các chiến sĩ biệt động. Nằm về phía đông là bia ghi sự kiện ngày 26-12-1968, kế đó, chếch về phía đông nam là phần mộ hai vợ chồng Mẹ Nhu.

Đến nay, di tích “Địa điểm nhà Mẹ Nhu” đã được thành phố quan tâm trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Mới nhất là dự án trùng tu, tôn tạo với tổng kính hơn 1,7 tỷ đồng, được thành phố thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 nhân kỷ niệm 55 năm chiến công Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê (26-12-1968 - 26-12-2023). Mang giá trị lịch sử tiêu biểu trong phong trào đấu tranh cách mạng tại Đà Nẵng, địa điểm Nhà Mẹ Nhu được công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 4699/QĐ-BVHTTDL ngày 28-12-2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nguồn : Sưu tầm