Làng Mỹ Khê nay thuộc Phường Phước Mỹ Quận Sơn Trà thành Phố Đà Nẵng ra đời và chính thức có tên trong bản đồ Thuận Quảng từ năm 1571. Đó là vào thời Anh Tông Hoàng Đế Niên Hiệu Hồng Phúc năm thứ 13 đến nay đã được 444 năm. Cũng như phần lớn các Xã ven biển Miền Trung , làng Mỹ Khê bắt đầu là một dải cát trắng chạy dọc theo ven biển địa phương gọi là "Bạch Sa" nhưng với chủ trương "Tiền Hiền Khai canh, Hậu Hiền khai cư" của các Thế Hệ người Mỹ Khê gian khổ, bền bỉ chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng bao khó khăn đã biến một dải cát trắng thành xóm trong và xóm ngoài, thành ruộng lúa, nương khoai xóm làng trù phú, đời sống ấm no và an bình.
Làng Mỹ Khê cũng có đầy đủ các tiêu chuẩn để hình thành một làng xã, như bao Làng xã khác ở Việt Nam, cũng có những kiến trúc Văn Hóa như Đình, Chùa, Miếu, lăng Ông, lăng Bà, nhà Từ Đường của các Tộc Họ. Làng Mỹ Khê trước đây có 12 Tôn Tộc nay do phát triển về kinh tế xã hội nhiều Tộc họ khắp mọi miền Tổ quốc đã cùng về sinh sống trên mãnh đất này. Nói đến Làng thì phải có Đình. Đình là biểu tượng tâm linh của dân làng, ngày xưa Đình làng được xây dựng sát gần bờ biển và nhỏ hơn bây giờ, vào năm Quý Sửu 1913 Đình đã bị hư hỏng, dân làng mới dời vào và xây cất lại giữa trung tâm làng. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo dân làng đã xây dựng ngôi Đình mới tại vị trí như hiện nay vào năm Duy Tân thứ 6 năm 1913 đến nay được 102 năm.
Theo truyền thống dân tộc, Tộc họ nào quy dân lập ấp. Họ đó là tiền hiền của làng, xã ấy. Thế nhưng một điều hiếm thấy ở Mỹ Khê đó là: không có Tộc nào tự xưng là tiền hiền mà văn thư nhiều đời truyền lại "Tiền khai canh – Hậu khai cư – Tiền hiền khai khẩn, đẳng chư tiền hiền". Đó là hạt nhân của sự gắn kết Tộc họ, của tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau. Tình làng nghĩa xóm, tình gia Tộc, nghĩa lân ban cũng chỉ là một. Đó là nguồn sống vô tận, đâu đâu cũng biểu hiện tinh thần đoàn kết thương yêu nhau. Bước ra ngõ là anh em, đi quanh xóm là bà con ruột thịt. Hình ảnh này chính là hình ảnh của tình đoàn kết, thương yêu của bao thế hệ mà con cháu cần gìn giữ, phát triển như gìn giữ chính bản thân mình.
Đình Mỹ Khê hiện nay được xây dựng theo lối kiến trúc nhà ba gian hai chái, có Tiền Đình, Hậu tẩm. Mái Đình lợp ngói âm dương trên nóc mái có hình lưỡng long chầu nguyệt. Phía trước hai bên chính điện có lầu chuông, lầu trống, cao gần 3 mét. Cổng đình xây dựng theo kiểu tam quan, trên mái cửa cổng có trang trí lưỡng long tranh châu. Cửa ra vào tiền đường được làm bằng gỗ theo lối cửa thượng song, hạ bán. Gian giữa chánh điện thờ Thành hoàng. Hai bên tả, Hữu thờ Tiền hiền, Hậu hiền.
Trong khối kiến trúc của Đình Làng Mỹ Khê có một chi tiết nổi bật là 4 cột đình được cẩn "Rồng cuộn Hồ Quy" rất uy nguy . Bốn cột Đình là biểu tượng tạo nên thế đứng vững chắc muôn đời cho dân Làng Mỹ Khê cũng như tất cả nội dung của các bức hoành phi, câu đối trong và ngoài đều thể hiện được truyền thống lâu đời của Làng Mỹ Khê mảnh đất "Địa Linh Nhân Kiệt" Đất Linh sinh người tài. Đó là truyền thống, là niềm tự hào của người dân Mỹ Khê. Hiện nay Đình làng Mỹ Khê còn lưu giữ 16 sắc phong của các Triều Nguyễn đã phong cho các Tôn Thần Mỹ Khê chứng minh sức bền vững của tâm linh người Mỹ Khê. Đình Làng Mỹ Khê luôn luôn được chăm sóc, hương khói ngút ngàn và dạy bảo cho con cháu biết về Hương Phong của Làng.
Ngày 22/8/1945 nhân dân xã Mỹ Khê, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đã nổi dậy cướp chính quyền, tổ chức mittinh, thành lập chính quyền cách mạng.
Ngày 06/01/1973 Nghị định số 06/HCĐP/ND về việc Cải tổ hành chính đã cải danh các khu phố cũ thành phường thuộc Thị xã Đà Nẵng. Phường Phước Mỹ được ghép hai xã Phước Trường và Mỹ Khê, lấy danh là phường Phước Mỹ.
Ngày 03/4/1992, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng ra Quyết định số 28/VHTT công nhận Đình làng Mỹ Khê là "Di tích lịch sử cách mạng" cấp Tỉnh và gắn Bia lưu niệm với dòng chữ "Tại đây, ngày 22/8/1945, tại đình làng Mỹ Khê, mặt trận xã Mỹ Khê (nay là phường Phước Mỹ) đã vận động nhân dân nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của thành phố Đà Nẵng".
Ngày 11/5/2005 UBND thành phố Đà Nẵng ra Quyết định số 1725/QĐ-UBND về việc công nhận Di tích lịch sử Đình làng Mỹ Khê là cấp Tỉnh, Thành phố.
Lịch sử là một dòng chảy không ngừng. Trong dòng chảy của thời gian đó, vạn vật không ngừng biến chuyển. Lớp lớp thế hệ con người kế tục nhau tồn tại và phấn đấu. Cái đọng lại của thời gian là phù sa của đất nước và ký ức lịch sử của con người. Phù sa làm màu mỡ cho sự sinh sôi; của cải làm giàu đẹp cho đất nước. Còn lịch sử nối dài của ký ức qua các thế hệ làm con người thêm mạnh mẽ, tự tin vào dân tộc mình.
Hiện thực phong phú đầy sức thuyết phục, đang minh chứng con đường phát triển của phường Phước Mỹ không chỉ bắt nguồn từ trí tuệ, vật chất của hôm nay mà còn từ nguồn lực truyền thống, nhân nghĩa, đoàn kết truyền từ quá khứ xưa. Cho nên việc nhận thức lịch sử của dân tộc cũng như của địa phương và thành phố quê hương vừa là một nhu cầu của đời sống, vừa là một đòi hỏi của xã hội.
Lịch sử phát triển của làng Mỹ Khê - phường Phước Mỹ luôn khơi dậy và nuôi dưỡng trong mỗi chúng ta niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước, cũng thúc giục chúng ta quyết tâm xây dựng phường Phước Mỹ giàu đẹp, văn minh, vững mạnh. Chúng ta tin tưởng rằng trong tương lai phường Phước Mỹ sẽ trở thành một địa danh nỗi tiếng bên bờ biển Đà Nẵng để thoả lòng mong ước bao đời của nhân dân phường Phước Mỹ và sự trông đợi của nhân dân quận Sơn Trà và thành phố Đà Nẵng.
Nguồn : Sưu tầm