Đình Nam Thọ

Đình Nam Thọ
Lịch Sử
Khởi Công 1690
Hoàn Thành Không rõ
Di tích đình Nam Thọ hiện nay ở tại khối Thọ An, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đây là nơi tôn nghiêm thờ phụng Thành hoàng, các vị “Tiền hiền khai canh, Hậu hiền khai khẩn” và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Chi Tiết Về Đình Nam Thọ

Đình Nam Thọ Chi Tiết Cấp Tỉnh

Di tích đình Nam Thọ hiện nay ở tại khối Thọ An, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đây là nơi tôn nghiêm thờ phụng Thành hoàng, các vị “Tiền hiền khai canh, Hậu hiền khai khẩn” và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Nam Thọ vốn là một làng được hình thành tự sự chia tách của xã Nam An xưa. Theo thông tin từ các sắc phong còn được lưu giữ tại đình Nam Thọ thì làng Nam An do ông Trương Công Bậc, người làng Trung Sơn (nay thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) và ông Nguyễn Hữu Chữ (Chờ), người làng Cẩm Sa (nay là xã Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) khai phá, lập làng vào giữa thế kỷ XVII. Cả hai ông được triều Nguyễn sắc phong là tiền hiền khai canh. Đến khi dân cư đông đúc thì làng Nam An được tách ra thành làng Nam Thọ và làng Tân An.

Năm Canh Ngọ (1690), ngôi đình đầu tiên được nhân dân trong làng góp công, góp của dựng lên bằng các vật liệu thô sơ. Sau nhiều lần tái dựng và thay đổi địa điểm cho phù hợp phong thủy, đình làng Nam Thọ được xây dựng tại địa điểm và kiến trúc như hiện nay vào đầu thế kỷ XX.

Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đình Nam Thọ là nơi hội họp, trú ngụ của các lực lượng cách mạng địa phương, là nơi nuôi lớn những ý tưởng táo bạo của dân quân, du kích mở các trận đánh cảm tử trong lòng địch tại chợ Mai, Tiên Sa…

Đình Nam Thọ có bố cục mặt bằng có hình chữ Đinh (J) (còn gọi là kiểu “chuôi vồ”) gồm chính điện phía trước và hậu tẩm nối liền phía sau. Chính điện có kết cấu bộ khung bằng gỗ, với hai hàng cột gỗ mít, có diện tích 45m2, gồm 03 ban thờ: ban thờ hội đồng và hai ban tả, hữu thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Hậu tẩm là một hình khối chữ nhật, có kiến trúc vòm cuốn, tạo giả lâu, trong có ban thờ Thành hoàng làng. Trước phía đình là bình phong theo mô típ cuốn thư.

Ngày nay đình Nam Thọ vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư địa phương, là nơi người dân bày tỏ ước nguyện xây dựng cuộc sống thanh bình, vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các vị tiền bối hữu công, qua đó gìn giữ và lưu truyền nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.

Hằng năm, tại đình Nam Thọ diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, trong đó có 02 ngày lễ lớn là: ngày 12.6 âm lịch là lễ cúng cầu an và kỷ niệm ngày thành lập làng; ngày 02.8 âm lịch là ngày giỗ Tiền hiền - Hậu hiền.

Đình Nam Thọ đã được công nhận di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp thành phố tại Quyết định số 9860/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Các di tích, địa điểm tham quan lân cận:

- Đình Tân Thái, 63 Trương Định, phường Mân Thái, quận Sơn Trà (cách 500m về phía Tây – Nam)

- Lăng Ông Tân Thái, đường Võ Nguyên Giáp, phường Mân Thái, quận Sơn Trà (cách 700m về phía Nam)

Nguồn: Tổng hợp