Nhà thờ tộc Đặng Văn Non Nước, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng: Di tích lịch sử – văn hóa
Nhà thờ tộc Đặng Văn Non Nước, quận NGũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng hiện có 02 nhà thờ: Nhà thờ khởi Thủy Tổ ở Núi Hỏa Sơn, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và nhà thờ tộc Đặng Văn Non nước ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Trong đó nhà thờ Thủy Tổ ở Núi Hỏa Sơn, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn được công nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, thành phố.
Ở vùng ven sông Cổ Cò là nơi những cư dân Việt đến khai hoang, làm ăn sinh sống, an cư lập nghiệp lâu đời, với những ngôi làng có niên đại trên dưới 400 năm như Hóa Sơn, Hóa Khê, Mân Quang, Mỹ Thị… Nơi đây trải qua bao thế hệ, ông bà các tộc họ đã làm ăn sinh sống trên các khúc sông và tạo lập nên làng xã với những công trình tôn giáo, tín ngưỡng, nhà thờ hết sức độc đáo, nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh, tín ngưỡng, vẫn còn hiện diện đến ngày hôm nay như: miếu ông Chài, lăng ông Ngư, miếu bà Chúa Ngọc, miếu Bà Lồi, miếu bà Thủy, miếu Thành Hoàng Thọ Khương, nhà thờ tộc Nguyễn, nhà thờ tộc Đặng, nhà thờ tộc Huỳnh…
Nhà thờ tộc Đặng hiện nay ở phường Hòa hải, quận Ngũ Hành Sơn cách trung tâm thành phố về phía Đông – Nam khoảng 7 km, tọa lạc bên cạnh sườn núi Dương Hỏa Sơn, mặt quay về hướng Tây, nhìn ra sông Trường Giang (còn gọi là sông Cổ Cò). Trước kia vùng đất Hòa Hải thuộc xã Hóa Quê, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo gia phả tộc Đặng ghi năm 1838 thì năm 1558 ông tổ của tộc Đặng là ông Đặng Văn Cẩn theo chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Đến 1571, Ngài ở trong đoàn quân do Mai Đình Dõng chỉ huy vào dẹp loạn ở Quảng Nam rồi ở lại lập nghiệp ở nguyên đất ấy; Ngài cùng với gia đình sinh sống bằng nghề sông nước trên các sông Trường Giang, Cẩm Lệ, Sông Hàn như cha ông ở quê nhà…
Về sau này các đời kế tiếp nhau của tộc Đặng đều sống trên sông nước và làm nghề chài lưới cùng với các tộc họ khác, thường quy tụ về những nơi có bãi, có cồn, sông lạch, có núi non che chắn để mưu sinh và ẩn nấp khi có bão lụt. Những địa điểm hay quy tụ là đoạn sông Trường Giang, từ chân núi Hỏa Sơn đến giáp Sông Hàn có tên là Cẩm Chánh; nơi đây có bến Đò Xu hình thành từ lâu đời.
Cùng với những tộc họ khác, con cháu tộc Đặng kế tiếp nhau tạo nên cộng đồng làm nghề chài lưới ven sông đông đúc, nhưng chịu sự quản lý của chính quyền cấp xã trên bờ nơi mình neo đậu. Mãi đến khi Gia Long lên ngôi (1802) mới có hệ thống hành chính tương đối chặt chẽ như xóm, làng, vạn thuộc xã. Đến năm 1818 các ông Đặng Văn Xay, Nguyễn Văn Hậu, Trần Văn Búa, Đặng Văn Trung đứng ra thành lập vạn Tứ Chánh với hai tụ điểm dân cư làm nghề sông nước; năm 1825 các ông Đặng Văn Xay, Nguyễn Văn Hậu đứng ra thành lập riêng vạn Sơn Thủy thuộc xã Hóa Quê, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (Vua Đồng Khánh ký ngày 03 tháng 10 năm 1888 xã Hóa Quê thuộc huyện Hòa Vang sau đó thuộc thành phố Đà Nẵng do vua Thành Thái ký ngày 15 tháng 01 năm 1901). Năm 1930 do dân số trong vạn đông đúc, điều kiện làm nghề mở rộng, địa giới hành chính trên bờ thay đổi, dân cư sông nước mới làm đơn xin lập làng lấy tên hai chữ đầu của vạn Sơn Thủy và xã Hóa Quê làm tên làng mới là làng Hóa Sơn thuộc tổng Bình Thới, huyện Hòa Vang. Làng Hóa Sơn chính thức ra đời có tên gọi riêng, có địa giới hành chính như mọi làng xã khác trên bờ (đây là tiền thân của Khu Đông Sông Đà sau này).
Riêng nhà thờ tộc Đặng được xây dựng năm Thành Thái thứ 15 (1903) các vật liệu bền vững được sử dụng khi xây dựng nhà thờ tộc Đặng như cột, kèo, trính, đanh, bút đều bằng đá Non Nước và đá mài Trường Định (Hòa Liên) nền cũng được lát đá; tường xây dày 0,5m bằng gạch thẻ loại lớn; mái lợp ngói âm dương. Diện tích xây dựng 30 m2 (5m x 6m). Ngày xưa với tiền của vật lực còn nghèo nàn thì việc xây dựng một ngôi nhà thờ như vậy là một cố gắng rất lớn của bà con tộc Đặng. Nhà thờ nằm ở vị trí khá cách biệt; muốn đi vào nhà thờ chỉ có hai con đường là đi men theo sườn núi hoặc đi bằng ghe thuyền loại nhỏ theo sông Trường Giang.
Chính vì địa hình, địa thể kín đáo như vậy nên nhà thờ tộc Đặng rất thuận lợi để làm nơi hoạt động cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhà thờ tộc Đặng được cán bộ cách mạng sử dụng làm nơi hội họp, bắt mối liên lạc, cất giấu lương thực, nơi dừng chân, điểm hẹn tập kết khi vào nội thành hoạt động hay đánh đồn ở khu vực này. Ông Nguyễn Duy Hưng, thời chống Pháp là Bí thư Đảng bộ Khu Nam kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến, thời kỳ chống Mỹ là Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư quận Nhất, Đà Nẵng, Thường vụ Đặc khu Quảng Đà xác nhận: “ Nhà thờ tộc Đặng đã có từ lâu đời… do bà con tộc Đặng ở làng Hóa Sơn xây dựng, là nơi nuôi giấu, che chở cho các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, bộ đội, du kích, tự vệ trong hai thời kỳ kháng chiến chông Pháp và chống Mỹ của khu Đông và khu Nam thuộc thành phố Đà Nẵng”. Ông Nguyễn Chiến (Như Thùy) là cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư huyện ủy Hòa Vang, Ban chỉ huy Huyện đội trong chống Pháp và chống Mỹ, Trưởng ban an ninh huyện Hòa Vang cũng xác nhận: “ Con cháu tộc Đặng ở đây có nhiều người tham gia kháng chiến … thành tích có công bảo vệ cách mạng, nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang. Nhà thờ tộc Đặng ở sát chân núi Hỏa Sơn có nhiều hang ngách có thể rúc vào trong, nhiều lối đi bò theo hang đá; do đó, Hóa Sơn là địa điểm kín đáo cho các cuộc họp của cán bộ hoạt động trước tháng 8 năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhà thờ tộc Đặng có nuôi ăn ở, bảo vệ cán bộ khi về họp ở núi Hóa Sơn an toàn bí mật”. Thượng tá Phan Hiệp (Phan Hành Sơn) anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong những năm 1967- 1969 là đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Tỉnh đội Quảng Đà (R20) đã “dùng nhà thờ tộc Đặng làm địa điểm để bắt liên lạc, nắm tình hình địch trong các trận đánh sân bay Nước Mặn, tiểu đoàn biệt kích Nùng ở chân núi Non Nước, đồn Khuê Đông… được bà con tộc Đặng cũng như nhân dân Sơn Thủy đùm bọc, cung cấp lương thực chu đáo và thông báo tình hình địch một cách chính xác. Ngoài ra còn nhiều vị cán bộ khác đã từng dùng nhà thờ tộc Đặng làm cơ sở hoạt động cách mạng trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Rất nhiều vị lãnh đạo, cán bộ, bộ đội, du kích của tỉnh, thành phố, huyện Hòa Vang, xã Hòa Hải (bao gồm xã Hòa Long cũ) đã dùng nơi đây để hội họp, ăn ở, xây dựng cơ sở, chỉ đạo các hoạt động trong vùng địch hậu. Đây cũng là nơi chứa lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược…“
Biết đây là nơi cán bộ ta thường xuyên hoạt động, địch liên tục đánh phá nhà thờ. Năm 1952, thực dân Pháp và tay sai đã dùng mìn, lựu đạn làm sập hết nữa gian nhà thờ và dùng xăng đốt cháy hết lương thực, thực phẩm và thu giữ một số vũ khí của ta; một số cán bộ ta đã anh dũng hy sinh tại đây. Sau đó nhà thờ được bà con tộc Đặng xây dựng lại. Năm 1972, Mỹ – Ngụy lại dùng mìn, lựu đạn, M79 đánh sập hết hai phần nhà thờ, nhưng đây vẫn là nơi đi về hoạt động của cán bộ ta cho đến ngày giải phóng.
Sau ngày giải phóng, nhà thờ vẫn tiếp tục được bà con tộc Đặng trùng tu, sửa chữa, chăm nom, lễ bái hàng năm. Hiện tại bên trong nhà thờ cỗ ở Làng Hóa Sơn, phường Hòa Hải còn lưu giữ các hiện vật:
01 bức hoành phi bằng đá.
01 cặp liễn đối với hai câu đối bằng chữ Hán – Nôm như sau:
Phiên âm:
Đại địa linh chung triệu khái văn minh xuất vận
Từ đường khí vượng hoằng khai phúc xuất cơ
Dịch nghĩa:
Đất lớn linh thiêng un đúc khởi đầu văn minh vạn cổ
Nhà thờ khí thế hưng vượng mở rộng phước đức từ gộc rễ.
02 Bia đá khắc chữ Hán – Nôm ghi công đức, niên đại lập bia, một số trụ đá, đà cửa …. của nhà thờ.
Di tích nhà thờ tộc Đặng, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng được cấp Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố năm 2006 theo Quyết định số 5879/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Đây là di tích lịch sử – văn hóa của tộc Đặng Văn Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng; không những có có giá trị tâm linh, tín ngưỡng của họ tộc mà còn có giá trị lịch sử gắn liền với hành trình mỡ cõi về phương Nam của tộc Đặng và của chư phái tộc và là bằng chứng sinh động minh chứng cho lòng yêu nước, ý chí bất khuất của cán bộ, nhân dân địa phương trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc đồng thời qua đó đã minh chứng cho sự cố gắng lưu giữ lại được những nét văn hóa truyền thống trong tế lễ và lối kiến trúc miếu mạo, nhà thờ, thánh thất ở vùng miền đất nước cho đến ngày hôm nay.
Cùng với nhà thờ cổ của Tộc Đặng Văn Non nước ở phường Hòa Hải, tộc Đặng Văn Non Nước còn có nhà thờ tộc Đặng Văn Non Nước ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng được xây dựng từ năm 1979. Cả hai nhà thờ được con cháu tộc Đặng Văn Non Nước sửa sang, gìn giữ qua năm tháng, coi đây là nơi lưu nhớ công đức tiền nhân, nét văn hóa dòng tộc, nâng cao tình thân, đoàn kết.
Nguồn: Tổng hợp