Đình làng Phước Thuận hiện tọa lạc tại thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, trong khuôn viên có diện tích khoảng 3.000m2
Đây là ngôi đình cổ. Theo các vị kỳ lão làng Phước Thuận thì đình Phước Sơn (tiền thân của đình Phước Thuận) ban đầu được lập bằng tranh tre nứa lá ở Cồn Am, xứ Bàu Dài, nay là Xóm Trên thôn Phước Thuận. Về sau, đình được dời về xứ Cây Trôi cho đến ngày nay. Đến thời Tây Sơn, niên hiệu Thái Đức (1778 – 1793), đình làng được xây dựng khang trang bằng gỗ và vật liệu tại chỗ, còn lưu dấu tích ở ruộng Hồ Lư là nơi lấy đất sét sản xuất gạch ngói ngày xưa. Vào đời Tự Đức (1848 – 1883), đình được trùng tu sửa chữa lại, toàn bộ sườn gỗ của đình được gia cố bằng gỗ mít và kiền kiền, hệ thống bình phong, cổng tam quan cũng được xây dựng bằng gạch vữa xi măng với quy mô lớn, kiến trúc đẹp. Sau lần dựng lại này, đình Phước Thuận là một trong những ngôi đình bề thế nhất, có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật trên đất Hòa Vang lúc bấy giờ. Và đã được dân gian ca ngợi qua câu ca:
“Đi vô xem đình La Qua, đi ra trông đình Phước Thuận”.
Tuy nhiên trải qua thời gian và chiến tranh, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp đình Phước Thuận đã bị hư hại hoàn toàn, nơi đây thường diễn ra các buổi họp bàn của Chi bộ Đảng cơ sở và là nơi ẩn náu, điểm dừng chân của nhiều đơn vị bộ đội. Năm 2000, đình được trùng tu, xây dựng lại nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, uy nghi, bề thế của đình làng.
Đình được xây dựng theo trục Bắc – Nam, quay mặt vào Nam nhìn ra cánh đồng, hai bên tả hữu có các ngọn núi Phước Tường (Hoà Phát), Năm Hố ôm lấy tạo thế long chầu hổ phục, minh đường thuỷ tụ. Trước cổng đình là một hệ thống trụ biểu đắp đèn lồng, sừng sửng giữa một không gian thoáng đãng. Các mặt của thân trụ đều được tạo gờ và sơn các gam màu nổi, ở mặt ngoài của hai trụ, giữa có câu đối bằng chữa Hán. Án ngữ trên trục dũng đạo là bức bình phong có kích thước lớn, được cắt góc và tạo các đường nét uốn cong, gấp khúc theo mô thức cuốn thư. Mặt trong của bình phong được vẽ trang trí hình cá chép, mặt ngoài đắp nổi phù điêu hổ bằng kỹ thuật nề vôi vữa. Hai bên có đôi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi sự giàu đẹp, phong cảnh non nước hữu tình của quê hương đất nước.
Kiến trúc chính của đình Phước Thuận theo dạng chữ “Đinh”, hay còn gọi là kiểu “chuôi vồ”, bao gồm toà chính diện phía trước và hậu tẩm nối liền phía sau gian giữa của nhà chính điện. Hậu tẩm là một không gian nhỏ, được xây bằng vật liệu gạch vữa, xi măng. Chính giữa có bệ thờ Thành Hoàng bổn xứ Phan Công Thuyên. Trên mặt tường sau có vẽ bức khảm, ở giữa viết chữ “Thần“, hai bên có hai câu đối bằng chữ Hán.
Tòa chính điện là một ngôi nhà ba gian hai chái. Khung nhà hoàn toàn bằng gỗ mít, với bốn bộ vì kèo kiểu xuyên trích. Đình có tất cả sáu xuyên bốn trích được tạo các gờ chỉ xuyên tâm hình múi khế. Mỗi bộ vì kèo của đình có ba hàng cột, đều được đứng trên hệ thống đá táng hình vuông. Các vì kèo của đình theo kiểu kèo chuyền lưỡng đoạn, chạm khắc trang trí độc đáo các gờ chỉ và hoa văn hoa lá, mây mưa và đặc biệt nổi bật là hình ảnh đầu rồng trên các đuôi kèo. Chính nhờ những trang trí này càng tăng thêm vẻ uy nghiêm của chốn linh thiêng, đồng thời tạo sự thanh thoát, bay bổng cho toàn bộ kiến trúc của đình.
Một kiến trúc độc đáo ở đình Phước Thuận là hệ thống trụ trốn đội xà cò. Trụ trốn ở đây là đoạn gỗ tròn được trau chuốt gồm phần trên ăn mộng và đỡ lấy giao nguyên, dưới có chân đế hình con tôm. Chân tôm được chạm nổi hoa văn mây nước, ăn mộng trực tiếp vào chính giữa lưng trính. Như vậy, trụ trốn là một bộ phận vừa có tác dụng chịu lực (đỡ lấy giao nguyên) vừa có tác dụng trang trí làm tăng them giá trị nghệ thuật của đình làng. Xà cò là một thanh gỗ dài nằm sát, song song phía dưới đòn đông và ăn mộng vào phần cổ của trụ trốn.
Trong đại điện có ba gian thờ chính: Bàn thờ ở hai gian tả hữu thờ tiền hiền hậu hiền, chính giữa trung tâm của đại đình được thiết kế một bàn thờ bằng vật liệu gạch vữa xi măng. Đây là nơi thờ các vị thần được vua ban sắc phong.
Mái đình lợp ngói móc bằng xi măng trên hệ thống rui, me, đòn tay bằng gỗ. Nóc mái gắn trang trí các phù điêu theo môtip “lưỡng long triều nguyệt”. Ở bốn góc mái gắn trang trí các hình rồng cách điệu. Tất cả được khảm sành sứ và thuỷ tinh bằng một kỹ thuật điêu luyện và sự thăng hoa của nghệ thuật trang trí.
Hằng năm, dân làng Phước thuận đều tổ chức cúng tế thần và tổ chức hội hè, diễn xướng dân gian tại đình làng diễn ra trong hai ngày 19 và 20 tháng 3 âm lịch. Và cứ 5 năm một lần nhân dân Phước Thuận lại tổ chức lễ hội lớn tại đình làng. Đây là dịp con cháu của làng bày tỏ lòng tri ân đến các bậc tiền nhân, đồng thời cũng là dịp tốt để dân làng tụ hội thi thố tài năng, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương.
Hiện nay, đình còn lưu giữ được các hiện vật: Bộ lỗ: bao gồm hai cái siêu, hai cái rìu, hai tay văn và hai tay võ. Đây là các hiện vật được sử dụng trong các ký đại lễ, rước sắc phong. Sắc phong: đình còn lưu giữ được 14 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban: 1 sắc năm Minh Mạng thứ 7 (1826), 2 sắc năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), 4 sắc năm Tự Đức thứ 5 (1852), 1 sắc năm Tự Đức thứ 30 (1877), 3 sắc năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), 1 sắc năm Duy Tân thứ 3 (1909), 2 sắc năm Khải Định thứ 9 (1924).
Đình Phước Thuận được UBND thành phố công nhận là di tích Lịch sử – Văn hoá cấp thành phố tại quyết định số 5874/QĐ-UBND ngày 30/8/2006.
Nguồn : Sưu tầm