Đình Cẩm Toại

Đình Cẩm Toại
Lịch Sử
Khởi Công Không rõ
Hoàn Thành Không rõ
Đình Cẩm Toại hiện tọa lạc tại thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Chi Tiết Về Đình Cẩm Toại

Đình Cẩm Toại Chi Tiết Cấp Tỉnh

Đình Cẩm Toại hiện tọa lạc tại thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

    

                                                                                                                                                                Đình Cẩm Toại

Làng Cẩm Toại là một trong những làng có từ lâu đời của thành phố Đà Nẵng. Trong “Ô châu cận lục” của Dương Văn An viết năm 1555, tên làng Cẩm Toại (lúc bấy giờ là Kim Toại) đã thấy xuất hiện cùng với làng Túy Loan (Thúy Loan), Cẩm Lệ, Yến Nê…

Dưới thời nhà Nguyễn, Cẩm Toại khi thì thuộc huyện Hòa Vang, khi lại sát nhập vào huyện Đại Lộc. Trước thời điểm Cách mạng tháng Tám 1945, Cẩm Toại là một trong 16 làng của tổng An Phước, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Ban đầu, đình Cẩm Toại chỉ là một ngôi đình bằng tranh tre để thờ thần hoàng bổn xứ và tiền hiền các chư phái tộc trong làng. Đến thế kỷ XIX, dân làng đã góp công, góp của xây dựng nên ngôi đình mới khang trang.

Trải qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, đình làng Cẩm Toại là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa của địa phương; đồng thời, chịu sự tác động khắc nghiệt của chiến tranh. Năm 1935, đình Cẩm Toại là trụ sở bí mật của nhóm thanh niên phản đế, gồm có Lê Đình Hiên ở Cẩm Toại, Lê Khắc Thiệu ở Hà Nha (Đại Lộc), Nguyễn Đức Thiệu ở Ái Nghĩa (Đại Lộc). Năm 1939, khi Phan Thanh qua đời, tổ thanh niên phản đế (lúc này đổi tên là tổ thanh niên dân chủ) đã tổ chức lễ truy điệu ông ở đây. Tiếp đó, đình Cẩm Toại cũng là nơi tổ chức vận động tranh cử cho ông Đặng Thai Mai ra thay thế Phan Thanh vào Viện Dân biểu Trung kỳ. Năm 1942, đình Cẩm Toại là trụ sở luyện tập và biểu diễn nhiều vở kịch có tinh thần yêu nước cao như vở Nguyễn Trãi – Phi Khanh, Hội nghị Diên Hồng… để tuyên truyền tinh thần yêu nước cho quần chúng nhân dân của một số thanh niên cách mạng. Từ tháng 9/1945 đến 15/2/1946, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tổng An Phước đóng tại đình Cẩm Toại. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Cẩm Toại đã cố gắng giữ gìn hậu tẩm của đình làng, xây dựng lại phần tiền đình đã sụp đổ, để làm nơi thờ cúng và tổ chức lễ hội văn hóa hàng năm ngay tại đình làng.

Qua hai cuộc kháng chiến, đình Cẩm Toại đã bị phá hủy chỉ còn lại phần hậu tẩm và bức bình phong trước đình. Ngay cổng đình có một bức bình phong được xây bằng gạch và xi măng. Từ cổng vào bước qua khoảng sân rộng là nhà chính điện. Nhà chính điện trong kháng chiến chống Pháp đã bị phá hủy chỉ còn lại phần nền nay đã được xây dựng lại theo dạng 3 gian 2 chái. Hai bên tả hữu trong chính điện bày các ban thờ tiền hiền, hậu hiền, có các câu đối ca ngợi công đức. Hậu tẩm là phần còn giữ nguyên yếu tố gốc của ngôi đình từ khi mới xây dựng.

Hàng năm, tại đình nhân dân địa phương có tổ chức cúng các lễ như: Tế xuân (15/2 âm lịch), tế thu (15/8 âm lịch), kỵ tiền hiền (24/4 âm lịch)…

Đình Cẩm Toại được công nhận là Di tích cấp thành phố tại tại Quyết định số 10226/QĐ-UBND ngày 24/12/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Nguồn: Tổng hợp