Chiều ngày 24/5, Hải Vân Quan đã chính thức đón nhận Bằng Xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch trao tặng (theo Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017) trong niềm vui chung của lãnh đạo hai địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Một di tích lịch sử đặc biệt trở thành tài sản vô giá chung không chỉ là sự nối liền ký ức lịch sử văn hóa của 2 vùng đất mà còn đồng thời mang ý nghĩa là sự thể hiện sự gắn kết, phối hợp giữa cả hai địa phương trong trách nhiệm bảo vệ tôn tạo những giá trị di sản do tiền nhân để lại.
Hải Vân Quan: Di tích lịch sử văn hóa vô giá
Hải Vân Quan, là một cụm di tích lịch sử về kiến trúc quân sự của triều Nguyễn. Ở độ cao 490m so với mực nước biển, cụm bố phòng quân sự này có nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công…
Theo các thư tịch cổ, thì Hải Vân là vùng ranh giới tự nhiên giữa hai xứ Thuận Hóa (tức tỉnh Thừa Thiên) và Quảng Nam. Đầu thế kỉ XIX, Phú Xuân – Huế trở thành thủ đô của cả nước, vị trí ấy càng trở nên quan trọng, là cửa ngõ đi vào vùng kinh kỳ, cần phải tăng cường phòng ngự. Vì thế, tháng Hai năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân, "ngạch trước viết ba chữ HẢI VÂN QUAN, ngạch sau viết sáu chữ THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN. Công trình xây dựng trong vài tháng, do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân làm. Sau đó, triều đình "phái biền binh 4 đội Hữu Sai và 2 đội Ứng Sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, súng phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên tấn thủ đóng giữ").
Thời Pháp, quân đội Pháp xây dựng một căn cứ quân sự có tên là Đồn Nhất vào năm 1826 để bảo vệ ngọn đèo chiến lược Hải Vân. Cuối năm 1946, khi quay trở lại, thực dân Pháp đã cho xây dựng cải tạo nơi này thành một cứ điểm quân sự vững chắc với tường cao, lô cốt và 2 trung đội canh giữ. Trong chiến dịch Hè Thu năm 1952, vào ngày 20 tháng 9, Đồn Nhất đã bị lực lượng đại đội tăng cường, tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 chủ lực liên khu V của ta đánh chiếm, tiêu diệt và bắt sống một số tên, trong đó có tên quan hai, đồn trưởng, thu được nhiều vũ khí quân trang, quân dụng
Ngày nay, đèo Hải Vân hiểm trở đã trở thành một cung đường thắng cảnh tuyệt đẹp với nhiều điểm du lịch dừng chân hấp dẫn, nối liền với hai khu du lịch nỏi tiếng Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) và Xuân Thiều ( Đà Nẵng). Hải Vân Quan rất cần được quan tâm đầu tư tôn tạo để góp phần quan trọng phát huy những giá trị lịch sử văn hóa vô giá cho đời sau.
Biểu tượng đoàn kết giữa hai địa phương
Hải Vân Quan là công trình có giá trị nhiều mặt, chứa đựng những giá trị quan trọng về văn hóa, lịch sử , kiến trúc, quân sự gắn liền với triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Hiện nay Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, ngay ranh giới hành chính của thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Với nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan, lâu nay di tích quan trọng này chưa được quan tâm quản lý bảo vệ, nên bị xuống cấp trầm trọng, trở nên hoang phế. Bức xúc trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo ngành Văn hóa - Thể thao của hai địa phương phối hợp lập hồ sơ trình Bộ VH-TT và DL xin xếp hạng di tích cấp Quốc gia .
Phát biểu tại buổi lễ công bố, Phó Chủ tịch TT UBND thành phố Đà Nẵng đã bày tỏ " Bằng xếp hạng di tích mà chúng ta đón nhận hôm nay thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch, thể hiện trách nhiệm của chúng ta đối với một di sản quan trọng của tiền nhân để lại và đặc biệt thể hiện sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng từ trong lịch sử đến hiện tại, có thể coi đây là biểu tượng về tình đoàn kết giữa hai địa phương chúng ta hiện nay. Khi được xếp hạng Di tích cấp quốc gia, Hải Vân Quan có được những cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích."
Tại buổi lễ, lãnh đạo hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã thống nhất ký kết bản ghi nhớ phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia này.
Theo đó, hai địa phương phải thực hiện những biện pháp bảo vệ di tích như chỉ đạo xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Hải Vân quan, tăng cường quản lý, vệ sinh, bảo vệ môi trường, cảnh quan xung quanh, hạn chế việc tác động làm ảnh hưởng đến các yếu tố gắn liền với di tích, quy hoạch bảo tồn và phát triển du lịch bền vững…
Nguồn: Sưu tầm