Đình Phong Lệ (Đình Thần Nông)

Đình Phong Lệ (Đình Thần Nông)
Lịch Sử
Khởi Công 1848
Hoàn Thành 1932
Đình Thần Nông, làng Phong Lệ thuộc xã Hòa Châu (Hòa Vang, TP Đà Nẵng) là ngôi đình cổ, với kiến trúc thuần Việt. Tuy nhiên, một số bạn đọc phản ánh, ngôi đình hàng trăm năm tuổi hiện nằm phía sau dãy phòng học hai tầng của Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh lại không có lối vào, phải đi nhờ qua cổng trường.

Chi Tiết Về Đình Phong Lệ (Đình Thần Nông)

Đình Phong Lệ (Đình Thần Nông) Chi Tiết Cấp Tỉnh
Lễ rước hội đình Thần Nông.
Lễ rước hội đình Thần Nông

Làng Phong Lệ cổ có từ thế kỷ 15, bao gồm cả mấy thôn ở Hòa Châu (Hòa Vang) và Hòa Thọ Đông (Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Trung tâm của làng là Phong Nam, có mộ các vị tiền hiền, nhà thờ tiền hiền và đình Thần Nông, còn gọi là đình Mục Đồng. Để vào được ngôi đình cổ, chúng tôi phải chờ học sinh tan học, cổng trường mở thì mới xin phép vào. Ngôi đình với lối kiến trúc cổ khá đẹp nằm lọt thỏm phía sau dãy phòng học, cửa đình sát ngay nhà để xe của học sinh. Ông Ngô Văn Nghĩa, Trưởng Hội đồng chư phái tộc làng Phong Lệ giải thích: Đình Thần Nông vốn tọa lạc trên gò đất cao giữa cánh đồng tốt tươi màu mỡ, mà theo thuật phong thủy thì đó là nơi địa lý tiềm long - cản thủy, án ngự tiền đình có Ngũ Hành Sơn, mưu cầu an dân lạc nghiệp. Kiến trúc nghệ thuật của đình gồm ba phần gắn liền nhau từ ngoài vào trong là nhà tiền đường, nhà chính năm gian và trong cùng là tẩm. Mái đình lợp ngói âm dương. Trên các mái nhà chính đều có đắp long, lân, nhất là chiếc sừng trâu được đắp lên cao. Cột kèo xà đình được chạm trổ tinh vi. Khu giữa hậu tẩm thờ Thần Nông, vị tổ sư của nghề trồng lúa nước Việt Nam, bên tả thờ các bậc tiền hiền khai khẩn lập địa, bên hữu thờ các bậc tiền nhân Mục đồng - trẻ chăn trâu. Đình được xây dựng vào cuối đời vua Tự Đức (1848-1883), trùng tu năm 1932, tồn tại nguyên vẹn qua các cuộc chiến tranh khốc liệt cho đến ngày nay. Mãi đến năm 1995, địa phương cho xây dựng Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh ngay trên khuôn viên ngôi đình với tường rào cao, bao quanh luôn cả ngôi đình. Người dân hoặc du khách muốn vào tham quan đình phải đi nhờ qua cổng trường. Những dịp lễ hội lớn, nhất lễ hội Mục đồng nổi tiếng và duy nhất ở Việt Nam, tổ chức ba năm một lần, dân làng phải xin phép đập một phần tường rào của trường để rước kiệu, lễ xong thì xây lại như cũ.

Bí thư chi bộ thôn Phong Nam, xã Hòa Châu Ngô Tất Hiền cho biết: Năm 2008, đình Thần Nông làng Phong Lệ được công nhận là Di sản văn hóa của TP Đà Nẵng. Ngôi đình làng mang ý nghĩa về đời sống nông nghiệp, là nơi tế lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, lúa màu tươi tốt, cuộc sống đủ đầy. Cột kèo, xà nhà được chạm trổ tinh vi, trên tường có đắp phù hiệu, ngay giữa nhà chính có đắp tấm biển lớn gắn ba chữ “Phong Lệ Đình” bằng chữ Hán được sơn son thếp vàng, nội tẩm còn có ba chữ “Anh khí chuông” (tức tiếng chuông vang xa) viết bằng chữ Hán cẩn xà cừ. Trong đình còn có các câu liễn đối của các bậc tiền bối ban tặng, được tạc vào gỗ quý vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. Trên sáu hàng cột trong đình đều treo các câu liễn đối, sơn son thếp vàng. Đó là những câu khen tặng của các bậc danh nhân Phan Bội Châu, Cao Bá Quát trong những lần về viếng thăm đình. Từ xưa, quan chức, con em trong làng khi thi cử đỗ đạt, được thăng chức... trước hết phải về đình Thần Nông để làm lễ trọng, vinh quy bái tổ. Gần đây, khi lễ hội Mục đồng được khôi phục, người dân và chính quyền thôn nhiều lần kiến nghị, xin được trả lại khuôn viên và lối đi cho ngôi đình nổi tiếng, mà theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trong một lần đến thăm đình đã khẳng định “đây là ngôi đình có một không hai ở Việt Nam”.

Nguồn : Tổng hợp