Làng Trúc Bàu hay còn gọi là Trước Bàu chính là thôn Trước Đông hiện nay. Theo lịch sử địa phương, dòng họ đến khai phá sớm nhất, lập ra làng Trúc Bàu là họ Ngô và họ Lê mà dẫn đầu là hai ngài Ngô Văn Thê và Lê Văn Lễ. Thời đó, tuy một số làng trên đất Hòa Nhơn như Phước Thuận, Thạch Nham đã được khai lập, dân cư có phần đông đúc nhưng vùng đất phía tây nam nơi các ngài dừng chân vẫn còn hoang dã, rừng cây rậm rạp. Tương truyền đó là vùng đất với rất nhiều tre trúc và bàu nước sình lầy, vì lẽ đó mà tên gọi Trúc Bàu đã xuất hiện phản ánh đặc điểm về địa lý, sinh thái lúc khởi thủy.
Đình làng lúc đầu chỉ là ngôi nhà có kiến trúc đơn giản, chủ yếu dùng từ vật liệu sẵn có ở địa phương như tranh, tre, gỗ. Vị trí dựng đình ngay ở giữa làng, không thay đổi từ trước đến nay. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, ngôi đình được dựng bằng gỗ với kiểu nhà rường 3 gian 2 chái rất khang trang bề thế. Hình ảnh về ngôi đình to đẹp này vẫn còn đang được lưu giữ trong ký ức của nhiều cụ cao niên trong làng. Nhưng rất tiếc, do trải qua thời gian mưa nắng, chiến tranh triền miên, dân làng không có điều kiện để tu bổ, bảo vệ nên khoảng giữa thế kỷ XX, đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1963, từ bộ khung đình cũ, làng đã xây dựng lại đình và còn cho đến ngày nay.
Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (từ 19-12-1946), thành phố Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Đến đầu năm 1947, các đơn vị của Trung đoàn 96 được chỉ đạo rút về án ngữ tại vành đai phía tây nam thành phố, cơ quan chỉ huy tiền phương của trung đoàn đóng tại làng Trúc Bàu.
Chính lúc này, chiến sĩ của trung đoàn được bà con làng Trúc Bàu hết lòng giúp đỡ về lương thực, thực phẩm và nơi ăn chốn ở. Đình Trúc Bàu trở thành điểm tập kết các nhu yếu phẩm do dân làng quyên góp để phục vụ chiến sĩ. Đình cũng là nơi dừng chân nghỉ ngơi của các đơn vị của Trung đoàn 96 trong những đợt hành quân tác chiến đánh địch từ tây bắc Đà Nẵng vào tây Quảng Nam từ những năm 1947, 1948, 1949.
Theo lời người dân địa phương , trong khoảng thời gian này nhiều vị chỉ huy lẫy lừng của Trung đoàn 96 như đồng chí Nguyễn Bá Phát, Đàm Quang Trung trong những lần đi thị sát cũng đã dừng chân nghỉ ngơi và được dân làng che giấu tại đình làng. Vào giữa năm 1947, những chiến lợi phẩm do quân ta thu được như vũ khí, đạn dược, thuốc men trong các trận đánh diễn ra tại các làng giáp ranh một phần được tập kết tại đình Trúc Bàu. Trên cơ sở được bộ đội chủ lực của ta sử dụng ngay để đánh địch, một phần được dân và quân địa phương cải biến, sửa chữa để sử dụng trong chiến thuật đánh du kích, đánh tiêu hao quân địch đóng trên địa bàn.
Bắt đầu từ những năm 1948, chiến sự luôn diễn ra ác liệt giữa ta và địch, đặc biệt ở các địa bàn vành đai thuộc huyện Hòa Vang. Một số làng của xã Hòa Nhơn, trong đó có Trúc Bàu đã trở thành vùng bị tạm chiến. Nhưng bằng sự mưu trí, nhân dân Trúc Bàu vẫn bảo đảm duy trì được công tác nuôi giấu cán bộ, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các cơ sở cách mạng của ta ở cánh tây Đà Nẵng, mà địa điểm quan trọng vẫn là tại ngôi đình này.
Bằng cách này hay cách khác, các vật lực cần thiết như khoai sắn, gạo, cơm, thuốc men, quần áo ban ngày được nhân dân đem đến cất giấu tại đình để giúp cán bộ trong những ngày khó khăn. Không những thế, đình còn là nơi thường được chọn để tiến hành họp bàn kế hoạch đánh địch của các đồng chí trong chi bộ Châu Quang Ngân (tức chi bộ xã Hòa Nhơn) và là nơi cư trú của đội quân tự vệ địa phương.
Như vậy, có thể nói đình Trúc Bàu là cơ sở cách mạng rất quan trọng góp phần vào chiến thắng chung trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân địa phương. Từ năm 1955-1965, đình là nơi cất giấu tài liệu tuyên truyền, lương thực, vũ khí để đấu tranh đòi tổng tuyển cử trong những năm đầu, đồng thời gầy dựng cơ sở và phát động phong trào cách mạng tại xã nhà trong những năm sau.
Từ sau năm 1965, với việc quân Mỹ trực tiếp tham chiến tại chiến trường miền Nam, Mỹ ngụy tăng cường càn quét, dựng đồn bốt nhằm đàn áp phong trào cách mạng. Tại Trúc Bàu, bọn chúng lập đồn ngay sau sát lưng đình làng, trên đỉnh đồi để hòng quan sát và kiềm chế phong trào của nhân dân địa phương. Tuy nhiên, dân làng Trúc Bàu một mặt hầu như nhà nào cũng có hầm bí mật, mặt khác tiến hành đào hầm bí mật tại đình nhằm tiếp tục chọn đình là nơi bắt liên lạc và nuôi giấu cán bộ.
Hiện sau lưng đình vẫn còn dấu vết của một hầm bí mật được đào trong kháng chiến chống Mỹ. Bọn Mỹ ngụy đã không thể ngờ rằng nằm sát bên nách chúng, nơi tưởng như “Việt cộng” không thể có mặt, nơi linh thiêng chỉ có ý nghĩa về tín ngưỡng này lại trở thành đầu mối cách mạng để tấn công vào chúng. Có lẽ vì vậy, đình Trúc Bàu chứa đựng giá trị lịch sử mà không phải bất cứ đình làng nào cũng có, đó là nơi in dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong cách mạng giải phóng dân tộc của quân và dân địa phương.
Nguồn : Tổng hợp