Sự ra đời của Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ (năm 1939) được ghi vào sử sách địa phương như một dấu ấn quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của xã Hòa Khương nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, trở thành động lực thiết yếu trong phát triển phong trào đấu tranh chống giặc ở địa phương. Nhận thức được điều đó, địa điểm thành lập chi bộ được huyện Hòa Vang xây dựng thành khu di tích, khánh thành cuối năm 2006 với kinh phí hơn 200 triệu đồng.
Đến năm 2008, UBND thành phố ban hành quyết định xếp hạng Bia di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ là di tích cấp thành phố, đồng thời giao địa phương quản lý, bảo vệ và phát huy. Từ đó đến nay, di tích này trở thành “địa chỉ đỏ” cho các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng. Hằng năm, nơi đây đón hàng trăm lượt người dân, du khách và thế hệ trẻ đến tìm hiểu lịch sử, dâng hương tưởng nhớ thế hệ cha ông.
Liên quan đến cái tên Phổ Lỗ Sỹ, hiện vẫn còn nhiều thắc mắc và được hiểu theo những cách khác nhau. Theo giải thích của Phòng Quản lý di sản văn hóa (thuộc Bảo tàng Đà Nẵng), Phổ Lỗ Sỹ là phiên âm tiếng Hán của chữ Prusse, tên một nước ở châu Âu. Nước này có một bộ luật rất nghiêm, nhờ đó mà họ trở thành một nước hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Vì vậy, đặt tên chi bộ là Phổ Lỗ Sỹ nhằm thể hiện mong muốn học tập tinh thần cách mạng ở các nước có phong trào đấu tranh lớn mạnh. Lúc này, chi bộ gồm 3 đồng chí, cũng được lấy bí danh theo tên chi bộ.
Cụ thể, Nguyễn Hữu Tú - Bí thư, bí danh Phổ; Nguyễn Lương Thúy, bí danh Lỗ và Nguyễn Như Gia, bí danh Sỹ (tất cả đều đã mất). Các cao niên của địa phương, từng tiếp xúc với những đồng chí kể trên cũng đồng ý với cách giải thích này và cho biết, lúc đó chi bộ được thành lập ngay giữa lòng địch, phải hoạt động bí mật. Nhiệm vụ của chi bộ rất khó khăn, gian khổ, nên phải chọn những đồng chí thật kiên trung, có tính kỷ luật cao, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng. Do đó, đặt tên chi bộ như vậy còn để nhắc nhở các đồng chí chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng.
Hiện nay, di tích như một biểu tượng lịch sử, văn hóa, được chính quyền và người dân địa phương quan tâm gìn giữ. Tuổi cao nhưng do nhà ở đối diện di tích nên ông Phạm Văn Công (SN 1945, nguyên Trưởng thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương) thường xuyên qua trông nom, lo hương khói và kể chuyện cho các đoàn khách vãng lai tới thăm di tích. Ông Công cho biết, hầu hết các thế hệ người dân ở đây đều thấm nhuần lịch sử của Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ. Đặc biệt, ghi nhớ công ơn của các đồng chí trong chi bộ về những việc làm như: truyền bá quốc ngữ, tổ chức hát bội để lấy tiền xây dựng trường học. Đồng thời, cảm phục ý chí của các đồng chí dù bị giặc tù đày, tra tấn, nhưng vẫn giữ vững khí tiết cách mạng kiên cường và tranh thủ tổ chức học tập chính trị, văn hóa.
“Việc xây dựng Bia di tích Phổ Lỗ Sỹ khang trang, đẹp và nằm sát đường là một quyết định rất hay, đúng đắn của chính quyền huyện Hòa Vang. Điều này giúp người dân đi qua, đi lại luôn thấy được sự hiện diện của di tích. Từ đó, khơi dậy sự tò mò, mong muốn tìm hiểu giá trị lịch sử cho thế hệ trẻ và bồi đắp thêm lòng yêu nước, quê hương trong nhân dân”, ông Công bày tỏ.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí, không giống các di tích có kiến trúc độc đáo, lâu đời ở nơi khác nhưng Bia di tích Phổ Lỗ Sỹ vẫn có ý nghĩa lớn đối với đời sống của nhân dân tại đây. Di tích này như “nhân chứng sống” ghi lại cột mốc quan trọng, lưu giữ giai đoạn lịch sử hào hùng và có giá trị đặc biệt với nhiệm vụ xây dựng bản sắc văn hóa, giáo dục chính trị, tư tưởng. Vì vậy, chính quyền địa phương luôn quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị di tích này. Ngoài sự chung tay giữ gìn di tích của cộng đồng, địa phương cũng hợp đồng một người hằng ngày tới chăm sóc, quét dọn di tích. Vào các ngày lễ lớn trong năm, đoàn thanh niên và học sinh tại các trường cũng đến đây để tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan, chăm sóc di tích. Cùng với đó, trung bình mỗi năm xã đón khoảng 10 đoàn khách du lịch hoặc tổ chức, đoàn thể với hơn 500 lượt người đến đây tìm hiểu lịch sử.
“Hiện nay, địa phương đang đề xuất huyện Hòa Vang trùng tu, tôn tạo di tích theo hướng mở rộng, kết hợp nghĩa trang liệt sĩ của xã, tọa lạc ngay phía sau di tích thành một khuôn viên chung. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ giúp làm tăng giá trị, ý nghĩa của di tích, đồng thời thu hút thêm nhiều người dân, du khách tới tham quan, tìm hiểu lịch sử địa phương”, ông Trí nói.
Nguồn : Tổng hợp