Giữa lòng thành phố Đà Nẵng nhộn nhịp, bên cạnh Cung thể thao Tiên Sơn hiện đại, trải qua bao mưa nắng, nhiều lần trùng tu và nâng cấp, Đình làng Nại Nam vẫn giữ được những nét cổ kính, rêu phong.
Ông Ngô Trường Thọ, Giám đốc Cung thể thao Tiên Sơn, người còn nắm giữ nhiều tài liệu viết về ngôi đình cổ này, là người luôn tâm huyết với việc giữ gìn những kiến trúc cổ xưa của đình. Ông Thọ cho biết, tuy diện tích không lớn nhưng qua cách tạo dáng tổng thể cho thấy đình làng Nại Nam xây dựng tốn rất nhiều công sức. Với lối kiến trúc cổ, bên trong đình, các hàng cột, kèo và đầu hồi được tạo dáng và chạm trổ chi tiết qua hình tượng như: cá chép hóa rồng, mai, điểu, lộc... cùng nhiều họa tiết hoa văn hình hoa lá cây cỏ được cách điệu một cách độc đáo.
Ông Thọ cho rằng, việc ngôi đình nằm giữa một cung thể thao hiện đại sẽ tạo nên mối hài hòa về cảnh quan. Đặc biệt, theo ông, đình làng còn giúp cho những thế hệ sau khắc ghi về việc giữ gìn những tinh hoa văn hóa của dân tộc, giữ lại những di tích cổ do người xưa xây dựng để những giá trị đó trường tồn với thời gian.
Trải qua ba lần trùng tu, di tích đình làng Nại Nam được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu gạch, ngói, cát, vôi và gỗ vẫn giữ nguyên những nét cổ kính có từ trăm năm trước. Mái đình lợp ngói âm dương, tường dày 0,5m - 0,7m. Chính vì thế, qua những cơn bão lớn của miền Trung, đình Nại Nam vẫn không xê dịch. Trong đình còn có 4 bức hoành phi, câu đối. Đình gồm 3 bệ thờ: phần hậu tẩm thờ Thần hoàng bổn xứ, phần chính điện hai bên tả hữu thờ các vị tiền hiền, những người có công khai canh, khai khẩn lập làng. Chất liệu gỗ làm nên rường cột là gỗ mít lâu năm được chạm trổ bằng những tay mộc có tiếng ở làng mộc Kim Bồng.
Năm 1965, dân địa phương đóng góp để trùng tu lại đình làng lần thứ nhất. Lúc bấy giờ đình được nâng cao lên 0,5m so với ban đầu. Chân các cột được đúc bằng xi-măng, thay một cột đã hỏng bằng gỗ mít. Hai tháp chuông sửa lại thêm khung bông chữ thọ và trên mái xây giả như lợp ngói âm dương. Lần trùng tu thứ hai vào năm (1993-1994) do Ban Văn hóa-thông tin thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ đứng ra sửa chữa, tôn tạo. Lần này đã xây lại toàn bộ tường rào xung quanh đình, làm lại bộ cửa chính của đình bằng gỗ cũng như gạch hoa bên trong đình. Trong lần trùng tu thứ ba vào năm 2002, UBND thành phố Đà Nẵng đã mời “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy nâng đình lên cao 1,6m theo phương thẳng đứng và di chuyển hai cây đa cổ thụ về vị trí đối xứng hai bên đình. Nhờ lần trùng tu này, đình Nại Nam được nâng cao lên, không còn ngập nước.
Cho đến giờ, hai cây đa hơn một trăm tuổi với thân cây to đến mười người ôm không xuể, sừng sững hai bên đình, tỏa bóng mát xanh. Cơn bão năm 2006, một trong hai cây đa bị quật ngã nhưng sau đó đã được chính Cung thể thao Tiên Sơn trồng lại. Hai cây đa cũng là giá trị văn hóa song song với đình làng nên đã được giữ gìn và chăm sóc như một báu vật của đình làng.
Chính bởi lẽ giữ lại được những nét xưa mà hằng năm, đình làng Nại Nam luôn đón tiếp du khách đến tham quan. “Người dân Đà Nẵng luôn coi đây là đình làng mang yếu tố tâm linh”, ông Ngô Trường Thọ cho biết. Mỗi khi có những đoàn du khách đến Cung thể thao Tiên Sơn, họ đều đến đình để viếng và thắp hương và tận mắt chứng kiến những kiến trúc tồn tại hơn một thế kỷ qua.
Được xây dựng vào năm Ất Tý (1905), do nhân dân và những người có chức sắc trong làng Nại Nam tham gia đóng góp xây dựng, đình làng Nại Nam là nơi để thờ Thần Hoàng bổn xứ (thần giữ đất làng) và thờ vọng lại 18 chư phái tộc. Trước năm 1975, nhân dân địa phương tổ chức 2 ngày lễ tại đình đó là lễ cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa, an bình và thịnh vượng vào rằm tháng 2 âm lịch hằng năm và ngày 30 Tết.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân địa phương đã dùng nơi đây làm cơ sở để hoạt động cách mạng. Vào thời điểm năm 1960-1965 quân ta dùng đình làm giao liên, liên lạc và địch cũng dùng hàng rào điện tử cho chạy qua phía trước ngôi đình để ngăn cản cán bộ và nhân dân ta hoạt động.
Ngày 4-11-1999, Bộ Văn hóa-Thông tin ra quyết định công nhận Đình Nại Nam là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Hiện nay, Đình Nại Nam được Cung thể thao Tiên Sơn trông coi, gìn giữ.
Nguồn: Tổng hợp