Chuyện xảy ra ở thôn Giáng Đông (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đúng 70 năm trước mà với ông Tri như mới ngày hôm qua. Ông nhìn ra Nhà bia tưởng niệm 126 người dân vô tội trong vụ thảm sát Giáng Đông ngày mồng 6 tháng 5 năm Mậu Tý (nhằm ngày 12-6-1948) nằm chênh chếch phía trước nhà mình, rưng giọng khi nhắc đến hồi ức đau buồn vẫn còn rỉ máu trong trái tim đã lên lão của ông.
Buổi sáng định mệnh
Ngày 5-5 âm lịch hằng năm đối với gia đình ông Trần Tri và bà con dân làng Giáng Đông không chỉ là ngày Tết Đoan Ngọ mà còn là ngày giỗ tập thể của 126 người chết tức tưởi dưới lưỡi lê, súng đạn, roi vọt của bọn thực dân Pháp. Đều đặn từng năm một, sau khi thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, ông lại kể cho con cháu nghe về cái chết của 13 người trong gia đình mình từ cái ngày không thể nguôi quên ấy.
Bấy giờ, Pháp lập một đồn lính ở Lệ Sơn gần ba-ra An Trạch, được đồn Quá Giáng - Miếu Bông tiếp tế trực tiếp qua con đường huyết mạch đi ngang thôn Giáng Đông, gọi là đường cái Hà Thanh.
Nhận thấy hoạt động của lính Pháp ở đồn Lệ Sơn gây tác hại đến phong trào cách mạng nên Ủy ban Kháng chiến hành chánh xã Thanh Phong (nay là xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) quyết định giao cho thôn Giáng Đông nhiệm vụ cắt đứt con đường tiếp tế của giặc.
Đêm đến bà con ra phá đường, ngày lên giặc bao vây bắt dân làng đắp lại. Chuyện diễn ra nhiều lần khiến cho việc tiếp tế đồn Lệ Sơn bị gián đoạn, giặc điên cuồng, quyết tìm cách bức hại.
Đó là một buổi sáng định mệnh. Hai toán quân Pháp từ đồn Quá Giáng lên, đồn Lệ Sơn xuống, như hai gọng kìm càn quét thôn Giáng Đông. Tất cả ông già bà lão, phụ nữ, trẻ em không kịp chạy trốn đều bị chúng bắt dẫn đi.
Lưỡi lê, súng đạn lạnh toát sát khí. Không nói không rằng, chúng lùa mọi người đến mạch Cửu Nhung (nay thuộc thôn Hà Đông, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn). Ai đi chậm hoặc có ý định bỏ trốn liền bị bắn ngay tại chỗ hoặc đâm lưỡi lê vào người máu me bê bết. Có người phụ nữ vì sợ quá, cúm cả chân không bước đi được liền bị thằng Pháp đi sau đóng đinh bàn chân vào gốc cây chim chim cạnh đường...
Trong trí nhớ của đứa bé lên mười là ông Tri ngày đó, thấy mình bị giặc Pháp lùa đi như cơn mộng du. Ông tê dại đi trong tiếng la hét, khóc lóc, tiếng súng nổ kinh hồn bạt vía.
Trước đó một ngày, lúc đang làm cỏ lúa cạnh đường đi, một người dân Giáng Đông được vài người lính tốt bụng đồn Quá Giáng báo trước: “Chừ mà còn cỏ lác chi nữa. Mai Tây đi càn..., lo mà trốn tránh chớ không thì bỏ mạng”. Câu nói tưởng chừng như đùa lại trở thành định mệnh của hơn một trăm mạng thảo dân hiền lành vô tội.
Hơn trăm con người quanh năm làm bạn với bùn đất, lúa má, heo gà bỗng nhiên bị những con người tự cho là “văn minh” đến từ trời Tây cùng với súng đạn dồn ngồi quanh bờ mạch (ao tưới nước) nhỏ bên đường cái Hà Thanh. Sáu khẩu súng trung liên dàn hàng ngang như người ta cắm choái cho cây leo.
Người dân chưa kịp hiểu vì sao họ lại ngồi đây, trước họng súng đen ngòm thì một tên lính còm-măng-đô hô lớn: “Đồng bào đứng dậy chào ông lớn thì ông lớn sẽ cho về...”. Bà con đứng dậy chưa kịp thẳng lưng thì súng nổ, người người ngã chúi xuống mạch nước, máu tràn lênh láng. Một số người thoát loạt đạn đầu tiên cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về làng.
Cậu bé Tri sợ quá, dắt hai em gái chạy, nhưng không cất nổi chân. Lưỡi lê vung lên, hai em gái bị Tây đâm nằm gục bên xác mẹ ông. Một lát, bọn Pháp quay lại, giết hết những ai còn ngọ ngoạy trên bãi thịt người. Cậu bé Tri giấu mặt nằm bên xác mẹ, giả vờ chết, thế mà vẫn bị đâm ba nhát còn dấu tích cho đến bây giờ.
Như lũ ma cà rồng chưa thỏa cơn khát máu, bọn Tây kéo từ mạch Cửu Nhung về xóm Nam làng Giáng Đông chém giết tiếp. Máu nhuộm đỏ cả đường làng. Có bà mẹ phút trước vừa kịp kéo tao nôi treo con thơ giấu trên ngọn vú sữa thì phút sau Tây phát hiện vác súng bắn, dây đứt, nôi rơi, đứa bé khóc thét. Chưa hết, chúng còn ném đứa bé vào đám lửa cháy trong tiếng cười man rợ…
Đám cháy 70 năm trước, qua giọng kể đau buồn của nhân chứng sống, vẫn còn tỏa hơi nóng đến giờ, khi gió tây nam nóng hầm hập như muốn đốt khô cả ngọn tre giữa trưa hè nắng cháy.
Tang tóc cả làng
Xế trưa, sau khi bọn Pháp rút quân, ông Trần Tri vẫn còn nhớ như in không khí hãi hùng ngày ấy. Người làng, ai còn sống thì lóp ngóp bò dậy nhặt xác người thân. Xác người chết tập trung về nằm chật cả bãi đất trống. Trời càng về chiều, tiếng khóc than càng thêm ai oán. Đêm đó cả làng âm thầm chôn cất 126 thi thể, tất cả không nhắm được mắt vì chẳng hiểu vì sao mình lại chết.
Riêng ông Tri, cho đến bây giờ ông cũng không hiểu là nhờ hương linh người mẹ quá cố che chở hay bản năng giả vờ chết khi rúc vào nách mẹ đã giúp ông thoát chết. Lúc đó tuy nhắm mắt nhưng ông vẫn nghe tiếng lưỡi lê đâm phầm phập vào da thịt người mẹ khiến ông càng thêm tê dại.
Cái cảm giác không biết lúc nào lưỡi dao ấy đâm đến da thịt mình của một đứa bé mới 10 tuổi thì quả là không có điều gì khủng khiếp hơn. Ngay sau khi Tây rút, ông được cha và ông nội tìm thấy với vết thương sâu hoắm trên vai, trên trán. Ông là con trai một trong gia đình đông chị em gái nên việc ông từ cõi chết trở về như một ân đức của tổ tiên để lại.
Khi thấy con trai còn sống sót, cha ông cõng ông trên lưng cắm đầu chạy một mạch tới nhà ông Bát Quá, thầy thuốc làng, để băng bó. Nói là thuốc chứ thực ra là giã nhỏ mấy củ hành đem rịt vào vết thương. Sau đó, cha dẫn ông qua nhà ông Hương Hộ ở làng Quang Châu bên cạnh để trú tạm vài ngày.
Những ngày sau đó, không khí tang thương nhuộm trắng cả cánh đồng. Cả làng ướt đẫm nước mắt. Ông nội ông chứng kiến cảnh con dâu, cháu nội, cháu ngoại chết oan ức nên mười ngày sau sinh tâm bệnh, uất quá mà qua đời. Nửa năm sau, cha ông cũng buồn rầu, sợ hãi mà chết. Nhà ông tất thảy 13 người bỏ mạng từ sau thảm sát đó.
Những người cùng thời với ông chỉ còn lại đôi ba người, như các ông Trần Công Sinh, Trần Công Hoài. Họ đều đã qua cái tuổi cổ lai hy nhưng nỗi đau mang tên thảm sát không bao giờ quên được, nhất là những khi trái gió trở trời.
Mảnh đất trống trước nhà ông, nơi tập kết thi thể 126 người chết thảm năm xưa, về sau thành nơi đặt bia tưởng niệm những người đã khuất. Ông trở thành người thủ từ cần mẫn khói hương. Chiều chiều, ngồi trước nhà nhìn ra bia tưởng niệm, ông lại nhớ từng cái tên được khắc vào tấm bia đá. Mỗi cái tên là một người thân, một bà con chòm xóm, một nỗi đau, một nỗi uất hận khắc vào thời gian.
Chuyện xưa đã được ai đó đưa vào mấy vần thơ mộc mạc: Buồn buồn dạo cảnh hương thôn/ Thấy nhà ai cháy tường còn trơ trơ... Nhìn xem ngó hết xa gần/ Có nhà có cửa có sân không người...
Ngày đó, sân nhà trưởng thôn Giáng Đông Nguyễn Đảng cũng vắng hoe khi 5 người trong gia đình ông bị sát hại. Vụ thảm sát đã được ông Nguyễn Công Niệm đưa vào Văn tế 126 đồng bào, sau năm 1975 được ông Trần Công Hoài nhuận sắc.
Ông Nguyễn Đảng cảm thấy cay cay trên mắt mỗi khi nghe đến đoạn: “Chết một nhà ba bốn xác/ Kẻ không hòm, người không vải, chôn một lần ở tại rừng hoang/ Quạnh hiu một nắm hương tàn/ Nào ai có để tang để chế...”.
Sau nhiều lần trùng tu, nâng cấp, Bia tưởng niệm Chứng tích tội ác Giáng Đông nay đã khang trang, bề thế và được xếp hạng Di tích cấp thành phố. Gần mạch Cửu Nhung, ngay bên cạnh Phổ Tịnh, từ năm 2004, người dân thôn Hà Đông, xã Điện Hòa cũng lập một nhà bia tưởng niệm hơn 40 nạn nhân trong thôn bị giặc Pháp sát hại cùng lúc với 126 người dân Giáng Đông.
Mạch Cửu Nhung, nơi ghi dấu tội ác giờ đã trở thành nơi ươm ầm sự sống với màu lúa tươi xanh. Thôn Giáng Đông hiện có 385 hộ với 1.423 nhân khẩu. Theo nhận xét của Chủ tịch UBND xã Hòa Châu Nguyễn Bình, Giáng Đông tuy xếp hạng trung bình so với 7 thôn còn lại của toàn xã, nhưng so với chính mình thì đã có những bước tiến vượt trội.
Tạm biệt Giáng Đông, về ngang qua cánh đồng lúa đang thì con gái, cảm nhận đâu đó trên vùng đất năm nào chết chóc bao trùm giờ trào dâng một sức sống mãnh liệt. Vết sẹo trên người ông Trần Tri rồi sẽ qua đi theo thời gian nhưng vết sẹo từ tội ác của “kẻ văn minh đến từ phương Tây” 70 năm trước sẽ khó thể phai nhòa trong tâm hồn người dân Giáng Đông, Hà Đông, “dù mai sau đời muôn vạn lần hơn” (Chế Lan Viên)…
Nguồn : Sưu tầm