Ban đầu, đình được khởi dựng với cây lá đơn sơ, nền đất, thuộc tổng Châu Phú, quận Châu Thành (tỉnh Châu Đốc), nay thuộc xã Phước Hưng (An Phú). Đến năm 1860, Ban Quý tế đình vận động người dân trong vùng đóng góp tiền của, công sức xây dựng ngôi đình khang trang hơn. Vào thời điểm này, vách tường được xây gạch, khung sườn làm bằng gỗ, mái nhị cấp lợp ngói móc. Năm 1978, chiến tranh biên giới Tây Nam đã làm đình bị hư hỏng nặng. Phải kéo dài đến năm 1994, với sự đóng góp của người dân địa phương, đình mới được trùng tu và hoàn chỉnh như hiện nay. Mặt đình hướng ra trục lộ giao thông, được trang trí sắc nét theo kiểu kiến trúc Roman của Pháp. Đỡ lấy bộ mái trước là các cột bê tông, thân cột đắp nổi các bộ liễn, phần đầu được trang trí dơi ngậm liễn, còn phần viền kẻ chỉ thì màu sắc hài hòa trông đẹp mắt. Các khuôn bông, khuôn tranh cũng hài hòa, rất phù hợp với bối cảnh chung…
Tuy được trùng tu, xây dựng mới nhiều nhưng đình Phước Hưng vẫn giữ được kiểu kiến trúc truyền thống của đình làng Nam Bộ, gồm 3 phần: Vỏ ca, vỏ quy, chính điện. “Các bàn thờ trong chính điện được bày trí theo thứ bậc, chức sắc của xã hội phong kiến. Giữa sát vách hậu đặt khánh thờ Thần, mặt trong của khánh khắc chữ Thần. Thần được tôn thờ tại đình là Thành hoàng Bổn cảnh và thờ vọng Thoại Ngọc Hầu” - ông Nguyễn Văn Mão- Trưởng ban Tổ chức lễ hội giải thích. Hai bên khánh thờ Thần là đôi liễn trang trí lưỡng long, hoa lá cành… được sơn son thếp vàng, chạm trổ bằng các đường nét hết sức tinh xảo. Hai bên bàn thờ Thần là bàn thờ Tả ban – Hữu ban. Hai bên vách hông chính điện là bàn thờ Tiền hiền- Hậu hiền, Tiền Hương chức – Hậu Hương chức. Mặt trước các bàn thờ được trang trí thêm các bức tranh sơn nước vẽ cảnh đẹp làng quê, non nước thanh bình.
Theo ông Mão, trong kháng chiến chống Pháp, đình Phước Hưng là hậu cứ vững chắc của lực lượng cách mạng. Năm 1939, Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Phước Hưng được thành lập và sinh hoạt thường xuyên tại đình. Đình cũng là nơi luyện tập của Thanh niên Tiền phong, tổ chức trừ gian diệt tề. Năm 1946, Ủy ban Hành chính kháng chiến được thành lập tại đình. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đình nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng, nơi tổ chức tập kích đồn bót địch, đẩy lùi nhiều cuộc càn quét của địch, bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy ở Vạt Lài, góp phần cùng lực lượng vũ trang huyện lập được nhiều chiến công hiển hách. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, Ban Chỉ huy tiền phương, Bộ đội Biên phòng, lực lượng liên xã Vĩnh An và Phú Hữu đóng quân tại đình, bố trí mặt trận đánh Pôn Pốt, bảo vệ vành đai biên giới của Tổ quốc.
Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, gìn giữ, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích lịch sử ở địa phương, đình Phước Hưng đều tổ chức các lễ hội long trọng, mang đậm sắc thái văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, tại đây còn diễn ra các hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian (múa lân, đua xe đạp, đập nồi, ca hát…), tạo không khí vui tươi và đoàn kết, thu hút đông đảo người dân gần xa. “Vào dịp này, bà con đến rất đông, trên dưới cả ngàn người. Không chỉ có người dân địa phương, mà còn ở nhiều nơi khác trong tỉnh đến lễ bái, tham gia giao lưu” - ông Mão cho hay.
Ngày 18-2-2000, đình Phước Hưng được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng theo quyết định số 289/QĐ.UB. Trong năm, ngoài các lễ thông lệ, đình sẽ tổ chức 2 lễ cúng lớn nhất là Lễ cầu an vào ngày 16, 17-4 âm lịch; Lễ lạp miếu vào ngày 19, 20 tháng Chạp.
Nguồn : Sưu tầm