Ðình xây theo hướng đông - tây với lối kiến trúc nhà rường ba gian, hai chái bao gồm 8 cột cái, 10 cột quân và nhiều xuyên, tích, kèo hoàn toàn bằng gỗ quý được chạm trổ tinh xảo. Mái đình lợp ngói âm dương, trên nóc trang trí “lưỡng long chầu nguyệt” và các phù điêu long, phượng. Tuy nhiên đến thời điểm này đình gần như đổ sập hoàn toàn, chỉ còn trơ trọi một vài cột kèo và mái ngói. Sân dẫn vào đình nhếch nhác, cây cỏ mọc phủ kín. Lâu nay, đình cũng không có người trông nom, coi giữ.
Nhiều người dân trong làng cho hay đình thờ thần Thành Hoàng, tiền hiền và hậu hiền (những người khai thiên lập địa ra làng). Ngôi đình cũng từng nhiều lần nhận sắc phong của các triều vua như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, Khải Ðịnh...
“Trước kia, khi đình còn kiên cố, người dân trong làng vẫn làm lễ tế đàng hoàng. Giờ sụp đổ nên người dân chỉ thỉnh thoảng đến thắp hương vào các dịp lễ, tết hay rằm mà thôi” - ông Trần Cước (80 tuổi), người dân sống cạnh đình làng Hưởng Phước, xót xa nói. Có những giai đoạn đình xuống cấp trầm trọng, con dân trong làng đã cùng nhau góp tiền của để sửa sang lại nhưng đâu rồi cũng lại vào đó.
“Có những lần ngói đổ sập hết, chúng tôi phải mua bạt về để che phủ, nhưng được một thời gian nó lại rách nát. Lần lượt đến các bức vách cũng đổ sập theo” - ông Lê Văn Ða, vị cao niên trong làng, kể. Hiện tại người dân chỉ còn bảo quản 4 bức hoành phi gỗ từ thời Thành Thái, Khải Ðịnh và Bảo Ðại, hương án từ thời Thành Thái.
Ông Huỳnh Văn Bôn - phó chủ tịch UBND xã Hòa Liên - cho biết đình Hưởng Phước xuống cấp nghiêm trọng trước khi được công nhận là di tích lịch sử cấp TP.
Nguồn : Sưu tầm