Đình làng Phước Trường

Đình làng Phước Trường
Lịch Sử
Hoàn Thành Không rõ
Đình làng Phước Trường là một trong những ngôi đình hình thành khá sớm trên mảnh đất Đà Nẵng, được xây dựng dưới thời vua Gia Long. Đình gắn liền với quá trình hình thành cộng đồng cư dân và những sự kiện lịch sử trọng đại của quân và dân Đà Nẵng. Hiện nay đình tọa lạc tại điểm giao nhau giữa đường Đông Kinh Nghĩa Thục và đường Lê Mạnh Trinh, thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Chi Tiết Về Đình làng Phước Trường

Đình làng Phước Trường Chi Tiết Cấp Tỉnh

Làng Phước Trường, là một trong những ngôi làng cổ đã hình thành lâu đời trên mảnh đất Đà Nẵng có niên đại khoảng trên 400 năm. Ngày 06/01/1973, Nghị định số 06/HCĐP/ND về việc Cải tổ hành chính đã cải danh các khu phố cũ thành phường thuộc Thị xã Đà Nẵng. Xã Phước Trường và Mỹ Khê được ghép thành 1 phường lấy danh là phường Phước Mỹ, nay thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Vào thời Gia Long (1802 - 1819), bằng sự chắt chiu, nhân dân Phước Trường đã tạo dựng Đình làng tường vôi, mái lợp tranh tre nứa lá tại Đình cũ Cây Me. Dưới thời Pháp thuộc, tại địa điểm này, một số cán bộ hoạt động Khu Đông đã dùng làm nơi hội họp nên thực dân Pháp nhiều lần đưa quân càn quét và đốt cháy đình. Sau lần đốt Đình thứ hai của thực dân Pháp năm 1947, nhân dân Phước Trường đã gom góp tài lực, vật lực tạo dựng lại ngôi Đình tại vị trí hiện nay.

Đình làng Phước Trường là di tích lịch sử cách mạng, ghi dấu chiến công của quân và dân quận Sơn Trà đứng lên đồng khởi diệt ấp, phá kìm, giải phóng quê hương qua các thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Địa điểm này là nơi từng diễn ra cuộc mitting chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh ngày 02/9/1945 của nhân dân Khu Đông do đồng chí Lê Văn Quí, Phó Bí thư Thành ủy chủ trì. Sự kiện tổ chức những buổi mitting ở cây me đình Phước Trường đã tuyên truyền ý thức cách mạng cho quần chúng nhân dân, tạo niềm tin của quần chúng nhân dân vào cách mạng. Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, những hoạt động của các chiến sỹ cách mạng luôn diễn ra ở đây trong sự cưu mang, che chở của người dân Phước Trường. Căn hầm bí mật tại gian hậu tẩm của đình là nơi ẩn nấu của các cán bộ hoạt động khu Đông, đây là một minh chứng khá rõ nét về sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân Phước Trường đối với các cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng, góp phần giải phóng quê hương.

Đình làng Phước Trường (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà).


Đình có kết cấu kiến trúc cũng như không gian văn hóa tiêu biểu cho một đình làng truyền thống ở Đà Nẵng. Công trình có nhiều giá trị nghệ thuật, biểu hiện qua sự đắp nổi, cẩn sành sứ, vẽ các chi tiết trang trí, bệ thờ, con giống ở hệ mái và các bức hoành phi, liễn đối, bình phong,…Có thể nói, đình Phước Trường đã góp phần vào quá trình hình thành và phát triển của lịch sử kiến trúc, văn hóa ở Đà Nẵng. Đình làng Phước Trường là nơi bảo tồn nhiều sinh hoạt tín ngưỡng của làng, xã ở Đà Nẵng. Thông qua các lễ hội tại đình làng đã thể hiện đời sống sinh hoạt văn hóa phong phú cũng như tinh thần tri ân các bậc tiền nhân qua các thế hệ của người dân làng Phước Trường. Lễ hội tại đình là cầu nối tâm linh giữa người và người với nhau, giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cư dân làng Phước Trường, bảo tồn những vốn quý di sản văn hóa tinh thần của dân tộc. Ngày nay, lễ hội ở đình làng Phước Trường đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng được đời sống văn hóa cơ sở, tạo được sân chơi cho đông đảo dân làng mỗi kỳ lễ hội, đồng thời tạo được một điểm tham quan, vui chơi giải trí cho khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi khi đến với thành phố ven biển Đà Nẵng.

Trong khuôn viên của Đình còn có Miếu Âm linh của Phước Trường, Miếu thờ Nhân thần, Miếu xóm Phước Hải và Miếu Âm linh của xóm Phước Hải. Nguyên trước đây, những ngôi Miếu này không nằm trong Đình nhưng do quá trình giải tỏa, quy hoạch chỉnh trang đô thị của thành phố nên các ngôi miếu này được dời vào trong khuôn viên của Đình, làm nơi thờ cúng tâm linh của cộng đồng cư dân. Đặc biệt tại sân đình có cây mù u đã hơn 400 năm tuổi, được cây đa cổ thụ ôm rễ vòng quanh. Theo các bô lão, cây mù u ở sân đình làng Phước Trường hiện nay có từ khi các vị tiền hiền đến đây lập làng. Hiện nay, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đang xem xét lập hồ sơ để công nhận là cây Di sản.

Với những giá trị lịch sử hình thành làng và Đình làng Phước Trường, ngày 03/4/2017, UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định số 1774/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố. Việc công nhận và tôn vinh Đình làng Phước Trường là di tích lịch sử cấp thành phố là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ và nhân dân Phước Mỹ phấn đấu làm cho văn hóa mảnh đất này ngày càng tỏa sáng, quê hương ngày càng an bình, văn minh, giàu đẹp.

Nguồn: Sưu Tầm