Đình Xuân Thiều

Đình Xuân Thiều
Lịch Sử
Khởi Công Năm 1825
Hoàn Thành Không rõ
Đình Xuân Thiều nằm tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Đình là một di tích văn hóa, lịch sử quan trọng của địa phương, được xây dựng để thờ Thành Hoàng làng và các vị thần bảo trợ cho dân làng. Đình Xuân Thiều là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống, đặc biệt là các lễ cúng tế vào dịp đầu năm và các ngày lễ lớn. Ngoài giá trị tâm linh, đình còn là biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó của người dân Xuân Thiều qua nhiều thế hệ.

Chi Tiết Về Đình Xuân Thiều

Đình Xuân Thiều Chi Tiết Cấp Tỉnh

"Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen"

Từ bao đời nay, đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ. Đình làng là nơi trang trọng và thiêng liêng, nó gần như đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã. Nhưng đình làng lại là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn cuộc sống ở nông thôn cần có sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, đình làng trở thành một nơi thân quen gần gũi, là nơi che chở, là nơi ở, là cuộc sống của những người nông dân Việt Nam.

Đình làng Xuân Thiều tọa lạc ở tổ 39, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng. Đình được xây dựng từ năm Ất Dậu đời vua Minh Mạng (1825). Trải qua gần 200 năm lịch sử, ngôi đình đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử xảy ra trên mảnh đất này. Đình Xuân Thiều ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn như lần trùng tu năm Tân Sửu 1961. Các cột gỗ được thay thế bằng các cột bê tông, mái vẫn lợp ngói âm dương. Trên nóc là hình lưỡng long chầu nguyệt, ở 2 bên tả vu và hữu vu có 2 bàn thờ, phía trên của 2 hương án đó là 2 bức tranh đắp nổi hình các con vật là hổ và rồng người xưa hay gọi ‘‘Tả Thanh Long hữu bạch hổ" nhằm canh giữ sự bình yên cho làng. Trên xà cò (đòn đông hạ) của đình có khắc hàng chữ nho: "Minh Mạng Ất Dậu niên tiền nhơn cấu tạo, Chí Tự Đức Đinh Sửu niên tiền nhơn tái tạo chí Khải Định Canh Thân quý hạ tái tạo''

Đình gồm có tiền đường, hậu tẩm. Tiền đường rộng 12,4m, dài 9,6m có bốn bàn thờ ở hai bên. Bên trái có 2 bàn thờ Tiền hiền và Tây khối. Bên phải có bàn thờ Vu Hậu và Đông phối.

Phần hậu tẩm rộng 3m, dài 3,2m, có một bàn thờ chính. Trước cửa hậu có bốn chữ nho lớn "Thiên Thu Trường Tại". Sân đình dài 22,5m, rộng 29m lát bằng gạch thường. Trước sân là bức bình phong mặt trước đắp nổi hình hổ vàng phía mặt sau hình con rồng với một ý nghĩa sâu sắc cầu mong cho dân làng một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Sân đình khá rộng rãi, thoáng mát, tạo một không khí dễ chịu, trong lành cho bất kì ai một lần đặt chân đến. Bên trong đình phía trên của các cánh cửa có những bức tranh được vẽ trên tường với những chủ đề rất sống động như trẻ cởi trâu thổi sáo, đàn gà đang kiếm ăn... thể hiện được cuộc sống sinh hoạt đời thường của nhân dân ta thời đó. Tất cả những điều đó muốn nhắn nhủ hậu thế biết rằng ông cha ta đã có một cuộc sống thật vui vẻ, bình yên và hạnh phúc.

Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, đình Xuân Thiều còn có giá trị lịch sử cách mạng rất lớn. Năm 1858 tàu chiến Pháp tấn công vào Đà Nẵng, đình Xuân Thiều là nơi dân làng tập trung lương thực, thực phẩm cho quân sĩ triều đình Huế chiến đấu. Tiếp đến cuộc khởi binh của Tôn Thất Thuyết tấn công giặc Pháp ở Huế thất bại, một bộ phận quân triều đình tan rã chạy vào các tỉnh phía Nam. Một lần nữa, đình Xuân Thiều và nhân dân nơi đây đã đứng ra giúp đỡ để họ trở về quê quán.

Trong tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8 năm 1945, đình Xuân Thiều là nơi thành lập chính quyền cách mạng thôn Xuân Thiều là điểm bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Viêt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong cuộc bầu cử này 100% đại biểu Việt Minh đã được bầu cử.

Trong kháng chiến chống Pháp, đình là nơi bộ đội, du kích ở để đánh Pháp trên đường quốc lộ I và cũng là nơi Chi bộ Đảng địa phương hội họp, trao đổi nắm tình hình địa phương.

Trong tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đình Xuân Thiều là nơi tập họp, tập trung các lực lượng đấu tranh chính trị ở các thôn Xuân Thiều, Trung Sơn, Quan Nam. Từ đây hàng trăm người mang cờ Mặt trận giải phóng, biểu tình vây đồn bốt giặc ở rừng Xuân Thiều, cản đầu xe địch không cho chúng đi càn quét bắn giết đồng bào. Quân Mỹ - Ngụy đã xả súng bắn xối xả làm bốn người hy sinh. Năm 1973 trong cuộc giành dân, giữ đất bộ đội ta cũng về đóng tại đây.

Sau giải phóng đình được làm kho chứa lúa của hợp tác xã và sau này được trả lại làm nơi hội họp, cúng tế của bà con làng Xuân Thiều.

Với tất cả những giá trị về văn hoá và lịch sử lớn lao đó mà hằng năm, cứ đến 14 tháng 3 nhân dân làng Xuân Thiều bao gồm cả những người con đang định cư tại làng và những người con quê hương đang đi làm ăn xa cũng về đây dự Lễ hội Đình làng. Lễ hội Đình làng Xuân Thiều nhằm tôn vinh giá trị văn hóa - lịch sử, đồng thời nhắc nhở cháu con dù đi đâu cũng nhờ về nguồn cội. Từ đó có ý thức đóng góp xây dựng quê hương mình ngày càng giàu mạnh.

Nguồn : Sưu tầm