Nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê

Nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê
Lịch Sử
Khởi Công Không rõ
Hoàn Thành Không rõ
Đi sâu vào lớp trầm tích di chỉ ký ức ở làng biển Thanh Khê, ta có thể chạm vào quá khứ hàng trăm năm trước vọng về. Những câu chuyện đầy tính nhân văn của người dân làng biển trong văn hóa ứng xử với thiên nhiên, với con người vẫn còn hiện hữu từ tiếng nói của các di tích lịch sử tại mảnh đất nơi đây, trong đó có nhà thờ Tập linh nghề cá.

Chi Tiết Về Nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê

Nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê Chi Tiết Cấp Tỉnh
Mộ Tiền hiền làng Thanh Khê Hồ Văn Tri trong khuôn viên Nhà thờ Tập linh Thanh Khê. Ảnh: H.T.Q

Câu chuyện nguồn gốc xây dựng, trùng tu nhà thờ Tập linh nghề cá làng Thanh Khê được các cụ cao niên trong làng kể lại đầy xúc động. Đó là ngày 23-3-1893, khi ngư dân hai làng Thanh Khê và Hà Khê đi đánh bắt vụ mùa cá chuồn ở khơi xa đã gặp trận cuồng phong bão tố nổi lên giữa biển, làm rất nhiều ngư dân chết và mất tích trên biển. Tưởng nhớ những ngư dân vắn số, yểu mệnh trên biển, người dân làng chài Thanh Khê đã cầu xin ơn trên và khẩn nguyện những linh hồn tập trung về nhà thờ Tập linh để tiện chăm lo việc thờ tự, cúng bái hằng năm. Đặt tên “Tập linh từ” với ý nghĩa là đền thờ (hay nhà thờ) tập hợp những vong linh để thờ cúng.

Nghĩa cử cao đẹp của dân làng

Nhà thờ Tập linh nghề cá làng Thanh Khê nằm trong một con hẻm đường Trần Cao Vân, thuộc tổ 31, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Đây không chỉ là nơi thờ tự những ngư dân đã chết trong nghiệp biển giã của làng, mà còn thờ tự và cúng bái những vong hồn không nơi nương tựa ở các nơi khác. Trong văn tế, làng luôn dành sự trân trọng cho những vong hồn, cô hồn ấy.

Theo tấm bia “Nguồn gốc lịch sử Nhà thờ Tập linh làng Thanh Khê” đặt trước tam quan, Nhà thờ Tập linh được khởi dựng năm Bính Dần (1806) dưới triều vua Gia Long, do chư phái tộc và nhân dân làng Thanh Khê góp công, góp của xây dựng. Nhà thờ Tập linh thờ các vị thần, Tiền hiền làng Thanh Khê; các âm hồn, cô hồn, chiến sĩ trận vong; các hương linh xiêu mồ lạc nấm, ngư dân chết và mất tích trên biển. Theo chúng tôi, có lẽ ban đầu nhà thờ mang một tên gọi khác, đến khi xảy ra trận cuồng phong năm 1893 mới đổi tên thành Nhà thờ Tập linh để thờ tự những vong hồn bỏ mạng trên biển cả.

Văn bia cũng cho biết, sau khi được khởi dựng, nhà thờ đã qua 5 lần trùng tu: lần đầu năm Quý Tỵ (1893), lần hai năm Bính Tý (1911), lần ba năm Tân Mùi (1931), lần thứ tư năm Tân Mùi (1991), lần thứ năm năm Canh Tý (2020).

Ban đầu, nhà thờ được dựng đơn sơ gần bờ biển, đến năm 1911 mới chuyển về địa điểm hiện tại. Nơi đây thờ các ngư dân đã bỏ mình giữa muôn trùng sóng gió ngoài biển khơi, không chỉ trong cơn bão lịch sử năm Quý Tỵ 1893 mà cả những tai trời ách nước về sau này. Đặc biệt, gần đây nhất là thờ cúng những ngư dân đã bỏ mình trong cơn bão số 1 (Chanchu) năm 2006, cơn bão khủng khiếp này đã gây nên nỗi kinh hoàng cho người dân các tỉnh ven biển miền Trung với hơn 260 người chết và mất tích. Trong đó, 5 người chết và 73 người mất tích hầu hết tập trung vào quận Thanh Khê, phường Thanh Khê Đông, sau đó hình thành những tên gọi dân gian như: “xóm Chan Chu”, “xóm Không Chồng”,...

Trong tiềm thức của người dân làng chài Thanh Khê, ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm trở thành ngày thiêng liêng trong đời sống văn hóa tâm linh của ngư dân vùng đất này. Vì vậy, người dân làng chài luôn chú ý thờ phụng chu đáo để cầu mong sự phù hộ, bảo vệ, che chở của ơn trên.

Tục thờ cúng của người dân vạn chài làng Thanh Khê thể hiện nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân hậu, trân trọng, tri ân những người đã khuất. Hơn thế nữa, đó là cách nhìn nhân văn đầy trắc ẩn về nỗi đau, sự mất mát của từng người, từng gia đình, gia tộc cũng là nỗi đau chung của dân vạn chài.

Ghi dấu tiền nhân

Nhà thờ Tập linh không dừng ở vai trò là nơi thờ cúng mà còn là một bảo tàng lịch sử thu nhỏ về làng nghề cá. Nơi đây vẫn còn giữ được những hiện vật quý liên quan đến nghề biển như mô hình thuyền, thúng, lưới, ghe nan… Đặc biệt, có những chiếc ghe, thuyền bằng gỗ biểu trưng các ghe, thuyền đã gặp nạn trong cơn bão Quý Tỵ 1893. Bên cạnh đó, còn có tượng Ông Chài được ngư dân vớt trên biển vào năm 1990, ghi lại hình ảnh Ông Chài tay cầm mành lưới và con cá vừa bắt được.

Nhà thờ Tập linh cũng là nơi lưu dấu lịch sử bước chân hành trình mở cõi, khai phá vùng đất mới phương Nam của tiền nhân. Trước cửa nhà thờ vẫn còn ngôi mộ vị Tiền hiền làng Thanh Khê - ngài Hồ Văn Tri. Năm 1627, khi mới 8 tuổi, ngài đã theo cha vào Nam. Ban đầu cha con ngài bước chân lên vùng đất thôn Phú Lộc, sau đó về thôn Thanh Khê khai canh, lập làng, lập xóm (“tiền khai Phú Lộc xã, hậu khai Thanh Khê thôn”). Từ một gia đình nhỏ của ngài, về sau hình thành nên một dòng tộc và các chi phái. Đến năm Kỷ Tỵ (1689), ngài mất, hưởng thọ 70 tuổi. Đến năm Khải Định thứ 9 (1924), ngài được sắc phong mỹ hiệu “Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần”.

Mộ phần của Tiền hiền làng Thanh Khê lúc đầu tọa lạc trên mảnh đất rừng Cẩm Bái, về sau được cải táng về khuôn viên nhà thờ Tập linh. Ngôi mộ có kiến trúc giản dị. Hai bên cột trụ ngôi mộ có đôi câu đối ghi công đức ngài tiền hiền Hồ Văn Tri với làng Thanh Khê. Để tưởng nhớ và tri ân ngài, hằng năm đến ngày 12 tháng 4 âm lịch, dân làng Thanh Khê cùng con cháu tộc Hồ đều thành kính tổ chức giỗ ngài tại nhà thờ Tiền hiền làng Thanh Khê. 

Bước chân đến nhà thờ Tập linh làng Thanh Khê, ngắm nhìn không gian văn hóa cổ ấy, ta như thấy dư vọng của quá khứ luôn phảng phất nơi đây. Lòng trắc ẩn, bao dung, sẵn sàng cưu mang tất cả những vong hồn đã khuất về thờ tự tại mảnh đất này là nét đẹp văn hóa ứng xử đậm tính nhân văn, tạo nên bản sắc người dân làng biển Thanh Khê và cũng là bản sắc của người dân Việt trọng nghĩa, trọng tình.

Nhà thờ Tập linh làng Thanh Khê đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, thành phố theo Quyết định số 5834/QĐ/UBND do UBND thành phố Đà Nẵng cấp ngày 8-7-2011.

Nguồn : Sưu tầm