Tương truyền làng Mân Quang được khai phá vào nửa cuối thế kỷ 15, bởi lục tộc tiền hiền (Lê, Trần, Võ, Thái, Nguyễn, Đinh) là các cư dân người Việt ở các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa di cư vào. Cùng với việc khai phá lập làng thì ngôi đình và các thiết chế văn hóa khác của làng được xây dựng để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân.
Ban đầu, do điều kiện kinh tế khó khăn, đình được cất dựng bằng các vật liệu thô sơ như tranh tre, vách đất. Mãi đến đầu thế kỷ XX, dân làng mới có điều kiện xây dựng một ngôi đình khang trang, vững chắc và tồn tại cho đến ngày nay.
Đình Mân Quang còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Tại nơi đây, trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược (1858-1860), danh tướng Nguyễn Tri Phương đã tổ chức đóng quân và tích trữ lương thực để đánh giặc. Từ năm 1945 - 1954, nơi đây là trụ sở làm việc của Ủy ban cách mạng lâm thời khối Phó Đức Chính, nơi bầu cử Quốc hội Khóa I và là cơ sở hoạt động của lực lượng cách mạng địa phương.
Đình làng Mân Quang là một trong số ít các đình làng ở Đà Nẵng có lối kiến trúc vòm cuốn, tiêu biểu cho kiến trúc thời nhà Nguyễn. Đình được xây bằng gạch, vôi vữa, gồm hai đơn nguyên kiến trúc: chính điện phía trước và hậu tẩm nối liền phía sau. Chính điện có diện tích 43m2, được chia thành ba phần không gian rõ rệt bằng các vòm mái và cột trụ, bên trong có 3 ban thờ: bàn hội đồng, ban tả, ban hữu để thờ Tiền hiền và Hậu hiền. Nối liền với chính điện là hậu tẩm. Hậu tẩm có diện tích 07m2, dạng vòm cuốn tạo giả lâu, có 01 ban thờ Thần.
Ngoài ngôi đình, trong Khu di tích Lịch sử - Văn hóa làng Mân Quang còn có các công trình tín ngưỡng khác gồm: miếu Táo Quân, lăng Ông hay còn gọi là lăng Nghề cá, miếu Quan Thánh, miếu Cao Các, miếu Bà, miếu Thành hoàng, miếu Thần Nông và miếu Âm linh.
Hằng năm, tại di tích, người dân địa phương tổ chức nhiều hoạt động lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, trong đó, Lễ hội đình làng Mân Quang có ý nghĩa quan trọng nhất. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15, 16.3 âm lịch, bao gồm các nghi thức tế lễ và phần hội với các hoạt động diễn xướng, trò chơi dân gian sôi động.
Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa làng Mân Quang được công nhận là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp thành phố tại quyết định 10496/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.