Đình Cổ Mân

Đình Cổ Mân
Lịch Sử
Khởi Công 1665
Hoàn Thành Không rõ
Thành phố Đà Nẵng hiện có hai làng cùng mang tên Cổ Mân, một thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà, một thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Cổ Mân - Mân Thái là “làng mẹ”, hiện bảo lưu nhiều gia phả của các dòng họ. Đặc biệt, nơi đây còn giữ được nhiều tư liệu liên quan đến lịch sử - văn hóa của làng dưới thời nhà Nguyễn, nhất là giai đoạn Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp.

Chi Tiết Về Đình Cổ Mân

Đình Cổ Mân Chi Tiết Cấp Tỉnh

Đình làng và miếu Âm linh

Theo gia phả tộc Phạm, tổ tiên của tộc Phạm đã rời xã Cổ Mân, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương vào vùng đất phía hữu ngạn sông Hàn này khai canh, khai cư từ năm Cảnh Trị thứ ba (Lê Huyền Tông - 1665); xong đâu đấy, đặt tên làng nơi sinh sống theo tên làng cũ để lưu nỗi nhớ cố hương. Về sau, làng có một chi tách ra, vào lập nghiệp tại vùng đất Hòa Xuân nhưng vẫn lấy tên gốc là Cổ Mân.

Theo gia phả tộc Phan, vào thời chúa Nguyễn, một chi tộc Phan ở xã Đà Sơn, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đã phân nhánh sang lập nghiệp tại đất Trà Sơn Úc (Vũng Thùng), cùng với họ Phạm thành lập làng Cổ Mân.

Một trong những hậu duệ của tộc Phan Cổ Mân là ông Phan Văn Kỉnh, 70 tuổi, từng nghe cha mình là trưởng ban khánh tiết lo việc lễ lạt ở đình kể nhiều chuyện xưa về làng. Theo đó, ban đầu đình Cổ Mân được lập bằng tranh tre nứa lá ở khu đất có tên là Vườn Đình, nay thuộc tổ 34 Mân Lập. Về sau, do có con nước từ đỉnh Sơn Trà chảy dọc theo đồng ruộng Cổ Mân xuống Vũng Đầm rồi theo khe Mương Lở đổ ra sông Nại Hiên, tạo nên thế phong thủy không tốt sao đó nên các cụ xưa đã bàn nhau dời đình về phía Nam khoảng 300m, gần vị trí đình hiện nay.

Đình tọa lạc ở địa điểm mới này ít nhất cũng phải trên trăm năm, tuy không thấy sổ sách ghi chép lại nhưng các cụ áng chừng dựa vào những cây cổ thụ rợp bóng trong khuôn viên đình. Phía Nam có cây bún (có thịt rất mềm), phía Bắc có cây nhãn, phía Tây có cây mù u. Đặc biệt, phía Đông Nam có cây sộp vươn những chùm rễ che gần hết một góc đình. Dân gian to nhỏ với nhau rằng trong hốc cây sộp này có cặp rắn mái gầm tu lâu ngày đã thành “tinh”, ai xớ rớ đi ngang qua đó là bị cắn chết. Sau này, mọi người mới vỡ lẽ là do yêu cầu công tác bảo vệ cán bộ trong kháng chiến chống Pháp nên phải đưa ra tin đồn như thế.

Bên cạnh đình, các cụ cho lập ngôi miếu Âm linh để có nơi hương khói cho các vong linh chiến sĩ vô danh, những người không nơi nương tựa. Cuộc chiến không cân sức giữa quân dân Đà Nẵng và liên quân Pháp - Tây Ban Nha vào đầu tháng 9 năm 1858 đã làm cho quân xâm lược bỏ lại gần một nghìn ngôi mộ mà dân gian quen gọi là khu Mả Tây trên bán đảo Sơn Trà.

Bên ta, di hài những anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân sau đó đã được quy tập vào hai Nghĩa trủng Hòa Vang và Phước Ninh. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Khải, trưởng ban Khánh tiết kiêm phó trưởng ban Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa đình Cổ Mân, cho biết ở tiền đồn Cổ Mân này cũng đã có 158 nghĩa sĩ không rõ tên tuổi ngã xuống, được dân làng quy tập vào một nơi gọi là khu mộ chiến sĩ trận vong và thờ trong miếu Âm linh này. Khi triển khai dự án công trình Bạch Đằng Đông, các ngôi mộ này đã được dời lên nghĩa trang Sơn Gà, xã Hòa Khương.

Quốc pháp trị tội

Chiến tranh và thiên tai đã làm mất mát, hư hỏng nhiều tư liệu liên quan đến lịch sử - văn hóa của làng Cổ Mân dưới thời Nhà Nguyễn, nhất là giai đoạn Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp. Thời kháng Pháp, ông Thủ Sáu (giữ chức thủ sắc) mang sắc phong, châu bộ làng Cổ Mân xuống gửi nhờ dưới hầm bí mật nhà ông thủ sắc đình Phước Trường (gần cây me Phước Trường nổi tiếng, nay thuộc phường Phước Mỹ). Giặc đốt phá, tất cả đều bị thiêu rụi.

Cũng may, ông Phan Văn Cư, phó trưởng ban Khánh tiết, còn giữ được một bản châu bộ do ông cố mình để lại. Đặc biệt, còn giữ được tờ trát của Học chính Quan phòng tỉnh Quảng Nam lệnh cho Tú tài Đỗ Văn Tư (người xã An Hải) điều tra về núi Sơn Trà, đầm An Hải, vũng Trà Sơn, xã Cổ Mân và cảng Cổ Mân với tinh thần “tra cứu, khảo sát lại các chi tiết thừa, thiếu, sai lầm hoặc bổ sung, nhất là về địa giới hành chính, phân hiệp qua các thời đại”.

Trong các văn bản cổ xưa, có 3 văn bằng cấp cho những người nhậm chức mới. Bản thứ nhất lập vào ngày 27 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ hai (1886), do Tuần phủ Nam Nghĩa (Quảng Nam và Quảng Ngãi) cấp bằng Thông lại huyện Hòa Vang cho ông Trương Hữu Thường, người xã Cổ Mân, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, thay Thông lại cũ là Đặng Bằng bị bệnh, không thể kham nổi công vụ nên đã có đơn xin nghỉ việc. Bản thứ hai lập ngày 20-10 năm Thành Thái thứ mười một (1899), do hào lý cùng người dân Cổ Mân (lúc này thuộc nhượng địa Pháp) tiến cử Trùm trưởng Trương Văn Chương làm Lý trưởng thay cho Lý trưởng Phan Văn Học xin thôi giữ chức. Bản thứ ba lập ngày mồng 9 tháng 2 năm Bảo Đại thứ tư (1929), do Chánh Đốc lý tòa Đà Nẵng cấp bằng Lý trưởng xã Cổ Mân cho ông Trương Văn Khai, thay thế Lý trưởng Phan Văn Bách bị bệnh, có đơn xin thoái việc.

Điều đáng chú ý là cả ba văn bằng này đều có kết một câu: Nếu làm việc không siêng năng, cần mẫn thì sẽ có quốc pháp trị tội. “Quốc pháp trị tội” là điều răn đe đầy uy lực để từ quan chí dân đều phải khép mình trong phép nhà luật nước. Trong lễ đón Bằng xếp hạng di tích Lịch sử - văn hóa cấp thành phố đình Cổ Mân hôm tháng 7 năm ngoái, cụ Hội chủ Phan Văn Tương đã nhắc lại câu đối xưa còn lưu ở đình “Chánh khí lưu hành kim việt Cổ/ Văn phong thạnh phát thống chi Mân” (giữ được chánh khí lưu hành trong làng thì nay có thể vượt qua xưa, bồi đắp nền văn phong để kế thừa truyền thống tổ tiên) rồi bảo: Chính nhờ biết giữ phép nhà luật nước mà người dân Cổ Mân nay đã kế thừa được truyền thống tổ tiên, vượt xưa về mọi mặt.

Nguồn : Sưu tầm