Đình Xuân Lộc

Đình Xuân Lộc
Lịch Sử
Khởi Công Không rõ
Hoàn Thành Không rõ
Từ trung tâm thành phố đi theo quốc lộ 1A ngược ra hướng bắc đến ngã ba Hoàng Văn Thái rẽ lên hướng Bà Nà, qua ngã tư giao nhau với đường tránh Nam Hải Vân, đi thẳng, rồi rẽ phải vào đường liên xã Hòa Nhơn - Hòa Sơn khoảng 2km là đến đình Xuân Lộc. Đình được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố vào năm 2006.

Chi Tiết Về Đình Xuân Lộc

Đình Xuân Lộc Chi Tiết Cấp Tỉnh


 

Gian thờ bên trong đình Xuân Lộc. Ảnh: Đ.G.H
Gian thờ bên trong đình Xuân Lộc. Ảnh: Đ.G.H

Theo gia phả các tộc họ ở thôn Xuân Phú (xã Hòa Hơn, huyện Hòa Vang), trong quá trình khai canh lập ấp thì tộc Võ là tộc đến sớm nhất (1690), tiếp đến là tộc Phạm, tộc Nguyễn, tộc Lê… Trước đây, làng Xuân Lộc có tên là xã Xuân Lộc, tổng An Châu Thượng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, sau đó xã Xuân Lộc sáp nhập với Phú Thượng thành thôn Xuân Phú thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Từ xa xưa vùng đất này đã có vị trí quan trọng về mặt chiến lược, được xem là bàn đạp để tấn công các vị trí hiểm yếu trên đèo Hải Vân, cái “yết hầu của miền Thuận Quảng” khi muốn đánh ra kinh thành Huế theo đường bộ từ phía Nam. Do đó đã có nhiều cuộc chiến đẫm máu diễn ra nơi đây giữa quân Tây Sơn và quân chúa Nguyễn Phúc Ánh vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII.

Nhận biết đây là vị trí chiến lược quan trọng nên từ thế kỷ XVII, các giáo sĩ Âu châu đã tiến hành sứ mệnh “hạt tiêu và những linh hồn” biến nơi đây thành một giáo khu sầm uất bao gồm các xứ đạo An Ngãi, Tùng Sơn, Lộc Hòa, Phú Hạ, Hòa Mỹ, Hộ Yên, Thạch Nham, Đồng Môn và An Châu. Nguồn kinh tế chính của vùng đất này là những đồn điền với những nương chè xanh ngút mắt - một công cuộc hợp tác đầu tư giữa cố đạo địa phương với thực dân khai thác thuộc địa.

Khi vua Hàm Nghi xuất bôn, gởi Hịch Cần Vương kêu gọi các Văn Thân đứng lên phò vua cứu nước, Nguyễn Duy Hiệu đã lãnh đạo nhân dân Quảng Nam đứng lên chống Pháp, lập căn cứ ở Tân Tỉnh (Quế Sơn). Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam diễn ra từ năm 1885-1887 trên địa bàn rộng khắp từ đèo Hải Vân cho đến Quảng Ngãi. Ở mặt Bắc, Nghĩa Hội đã có một số trận đánh đẫm máu vào khu giáo xứ Phú Thượng để bắt cho được “tây dương đạo trưởng” Maillard. Bằng chứng còn lại hiện nay là rất nhiều ngôi mộ vô chủ được quy tập trong âm linh chung của làng Xuân Phú và trong âm linh của ba xóm Xuân Sơn, Xuân Nam, Xuân Dương. Hiện nay tại nhà thờ Phú Thượng vẫn còn thu được hai cái chuông đồng được đúc vào năm 1887 từ những chiến lợi phẩm thu được của nghĩa quân.

Theo các cụ già thôn Xuân Phú, đình Xuân Lộc lần đầu tiên được xây dựng tại Vườn Kho. Tuy chưa rõ năm xây dựng nhưng sắc phong cổ nhất là năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Đình Xuân Lộc bị đốt cháy nhiều lần do chiến sự ác liệt. Đến năm Bảo Đại thứ 3 (1928) mới được xây dựng lại tại xứ Cây Ràng với qui mô bề thế. Đình được xây dựng theo lối 3 gian 2 chái, tường đá được xây vôi vữa dày 50cm, 8 cột cái, 16 cột quân đều bằng gỗ mít, mái lợp ngói Bình Ngõa. Hai bên có lầu chiêng, lầu trống, bên trong có đủ bàn thờ thần, tả ban, hữu ban, hoàng phi, câu đối, sắc phong, bia đá cùng các đồ thờ khí, tế tự. Bao bọc bên ngoài đình là bờ thành bao; cổng tam quan, bình phong phía trước. Hằng năm làng tổ chức lễ cúng thành hoàng vào ngày 17 tháng 3 âm lịch. Đến năm Kỷ Dậu 1969, quân giải phóng về đóng quân suốt từ đình Xuân Lộc đến ngã ba Phú Hạ, bộ chỉ huy đóng tại đình Xuân Lộc. Địch phát hiện bắn đại bác làm sập đình chỉ còn lại bức bình phong và một đoạn tường bao. Đến năm 1973, nhân dân đóng góp xây dựng lại đình mới như hiện nay.

Đến tham quan Đình Xuân Lộc giúp chúng ta hiểu được quá trình hình thành và phát triển của làng Xuân Lộc nói riêng và vùng đất phía Tây Bắc của thành phố Đà Nẵng nói chung. Các hiện vật còn lại trong đình như 20 sắc phong, 2 bia đá và một số hiện vật là những tài liệu quý cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất này. Đình Xuân Lộc ngoài chức năng thờ cúng Thành Hoàng và các bậc tiền hiền còn là nơi hội họp của làng trong các dịp trọng đại. Ngày nay, lễ hội đình làng vẫn còn giữ được bản sắc truyền thống trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người dân nơi đây. Vào ngày 27 tháng 7 hằng  năm, đình còn là nơi tổ chức lễ phát thưởng cho các em học sinh nghèo vượt khó, các em học sinh đậu đại học. Đây là một nét mới về văn hóa của thôn Xuân Phú trong thời đại mới.

Nguồn : Sưu tầm