Lăng Ông và dinh Cô Hồn được UBND TP Đà Nẵng chi ngân sách trùng tu và bàn giao ngày 26/1/2022 |
Làng Nam Ô thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, hình thành song song với quá trình mở đất phương Nam của cha ông ta. Trải qua nhiều thế kỷ, nơi đây đã và đang chứa đựng một đời sống tinh thần và tâm linh phong phú, đó là hệ thống di tích lịch sử, tâm linh có giá trị.
Nơi đây được mệnh danh với vùng đất “huyền sử” với nhiều di tích lịch sử như: Giếng vuông của người Chăm Pa cổ, miếu Âm linh, miếu Bà Liễu Hạnh… Các di tích trên đều gắn liền với những huyền thoại, câu chuyện của con người nơi đây trong quá trình mở cõi, xây dựng đất nước. Trong báo cáo, Quận ủy Liên Chiểu đã điểm qua 3 di tích gồm dinh Cô Hồn, lăng Ngư Ông và miếu Bà Liễu Hạnh để nói về giá trị tâm linh, văn hóa, của vùng đất lịch sử Nam Ô.
Theo đó, dinh Cô Hồn còn được gọi là miếu Âm linh. Dinh Cô Hồn tọa lạc tại địa phận tổ 35, khối phố Nam Ô II, phường Hòa Hiệp Nam. Theo nhiều thế hệ bô lão trong làng thì có 2 sự kiện lịch sử đáng chú ý hình thành nên di tích dinh Cô Hồn: Trong các trận chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô, Tấn biển Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên vua Tự Đức sau đó đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong.
Thời vua Thành Thái (1889 - 1967) khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mạng trong biến cố thất thủ kinh đô năm 1885. Miếu Âm Linh của làng theo đó được tôn tạo, sau này dân làng mở rộng đối tượng thờ thập loại chúng sinh, cô hồn phiêu phương không nơi nương tựa và các âm hồn xiêu mồ lạc nấm của chư phái tộc họ trong làng.
Đối tượng thờ mang thuộc tính nhân văn sâu sắc của di tích dinh Cô Hồn phù hợp với tinh thần uống nước nhớ nguồn tri ân tử sĩ vì nước quên thân, tinh thần nhân đạo truyền thống của dân tộc.
Kế bên lăng Ông là dinh Cô Hồn |
Theo UBND quận Liên Chiểu, di tích dinh Cô Hồn là một trong các di tích có giá trị văn hóa lịch sử nhất định, bởi lẽ, di tích gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm (lý do khởi dựng), với sinh hoạt văn hóa tinh thần (tín ngưỡng tâm linh truyền thống) thể hiện tính nhân văn, tinh thần nhân đạo của dân làng Nam Ô.
Dinh Cô Hồn có giá trị văn hóa lịch sử, tính nhân văn, tinh thần nhân đạo truyền thống đối với chiến sĩ trận vong trong các trận đánh ngự địch phòng biên chống giặc ngọai xâm trên đất Nam Ô trong lịch sử. Di tích còn là nơi liên kết cộng đồng mang ý nghĩa truyền thống linh thiêng của dân làng Nam Ô.
Ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô kể: “Kế bên dinh Cô hồn là lăng Ông Ngư ở Nam Ô được xây dựng từ thời vua Gia Long (1802). Lúc đầu lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trát vôi vữa, mái lợp lá kè, đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) lăng được tôn tạo to đẹp hơn.
Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), lăng được làm mới, mái lợp ngói âm dương. Từ đó đến nay, lăng được sửa chữa gia cố nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm, nằm trên khuôn viên rộng chừng 360m2, cách mép nước biển khoảng 50m khu vực tổ 35 phường Hòa Hiệp Nam”.
Những bộ xương cá Ông được lưu giữ tại lăng Ông làng Nam Ô (Ảnh: Đ.Minh) |
Là vùng đất được bao bọc bởi núi, sông hùng vĩ, biển cả bao la, Nam Ô được xem là nơi có phong cảnh hữu tình, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc địa phương.
Cũng theo ông Vinh: “Lăng Ông là nơi cất giữ hài cốt cá ông đã được cải táng. Theo lệ thì dân chài ai phát hiện được cá ông mắc cạn tục gọi là "ông lụy" thì người đó có bổn phận chôn cất và để tang như để tang chính cha mẹ mình. Người dân mai táng sau 3 năm họ sẽ mang hài cốt cá ông đến chỗ lăng Ông để thờ cúng. Sắc màu văn hóa của vùng đất được thể hiện sinh động trong lễ hội cầu ngư”.
Lễ hội là niềm mong ước, là khát vọng của người dân được thần Nam Hải che chở, là sự tín ngưỡng thiêng liêng của người dân nơi đây. Lăng Ông đã và sẽ mãi tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng biển dù cuộc sống có trải qua bao thăng trầm, khó khăn trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển.
Làng Nam Ô không chỉ có cụm di tích miếu Bà Liễu Hạnh, dinh Cô hồn, lăng Ngư Ông... mà còn cả một loạt các di tích khác như mộ Tiền hiền, giếng Chăm cổ, núi Hòn Phụng, mỏm Hạc... Đó là một quần thể di tích đậm dấu ấn văn hóa tâm linh.
Tuy chưa rõ hình thành từ bao giờ, nhưng làng chài Nam Ô hiện vẫn còn sử dụng những giếng nước ngọt được xây dựng đúng theo kiến trúc Chăm. Giếng có thành vuông, bên trong lót gỗ, có hoa văn trang trí, tuy đã phủ nhiều rêu phong theo thời gian nhưng nước luôn đầy ắp và mát mẻ.
Nằm giữa dinh Âm hồn và lăng Ông là chiếc giếng Chăm cổ hình vuông, nước vẫn trong vắt, dân làng vẫn lấy nước dùng suốt mấy trăm năm qua |
Theo sách Đại Việt Sử ký toàn thư, năm 1306, vua Chế Mân của vương quốc Chăm Pa dâng 2 khu vực Châu Ô và Châu Lý làm sính lễ, cưới Huyền Trân công chúa, con gái vua Trần Nhân Tông. Từ đó Châu Ô, Châu Lý (từ phía Bắc Quảng Trị đến khu vực làng Nam Ô ngày nay) chính thức được sát nhập vào Đại Việt.
Cái tên Nam Ô cũng có ý nghĩa là “cửa ô phía Nam” của đất nước. Cũng từ đó, trên vùng đất này, sự giao thoa văn hóa Chăm Pa và Đại Việt bắt đầu. Hiện nay ở khu vực Mũi Hạc, một dải đất nhỏ nhô ra biển với hệ sinh thái rừng cây lâu năm, vẫn còn một phế tích đền thờ Huyền Trân công chúa. Dân làng Nam Ô coi đây là khu rừng thiêng và cùng nhau bảo vệ từng gốc cây, tán lá của ngôi rừng từ nhiều đời nay.
Theo “người chép sử làng Nam Ô” ông Đặng Dùng: “Gần phế tích đền thờ Huyền Trân công chúa còn có một ngôi mộ cổ, không rõ lai lịch nhưng dân làng vẫn thờ phụng từ xưa đến giờ. Không rõ làng Nam Ô có từ khi nào nhưng có thể khẳng định chủ nhân xưa của nó là những người Chăm sống bằng nghề đi biển”.
Nam Ô trước đây là một địa danh thuộc Vương quốc Chăm Pa. Về sau, vào khoảng đầu thế kỷ XIV, khi vua Chế Mân của Chăm Pa dâng châu Ô, châu Lý cho Đại Việt vào năm 1306 để cưới công chúa Huyền Trân, vùng đất này trở thành cửa ô phía Nam của Đại Việt nên có tên gọi Nam Ô. Từ đó, người Việt bắt đầu di cư đến sinh sống ở vùng này.
Sau hàng thế kỷ, người Chăm và người Việt đã cùng nhau sinh sống và phát triển tại làng chài cổ này. Hiện nay, làng Nam Ô vẫn có những người mang họ gốc Chăm như họ Chế, họ Trà…
Nguồn : Sưu tầm