Mộ ngài tiền hiền Phan Công Thiên hiện tọa lạc tại tổ 58, đường Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Mộ nằm trên một khu đất rộng với diện tích khoảng 383,6m2. Nhìn tổng thể, mộ bao gồm các thành phần chính: Cổng (trụ ngoài) và tường ngoài; tường trong và bình phong sau (hội đầu); nhà bia và mộ.
Nhà bia được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mái được xây theo kiểu giả lâu 2 tầng mái cao 5,017m. Phía trước tầng 1có bức hoành phi có chữ Hán:
陵 墓 成 堭 順 國 公 潘 公 千
Phiên âm:
Lăng mộ Thành Hoàng Thuận Quốc công Phan Công Thiên.
Bia có kích thước 1,78×0,74×0,2m. Mặt trước của bia được khắc chữ Hán:
皇 朝 大 南 駝 峰 前 賢 潘 先 公 敕 封 翊 保 中 興 靈 扶 之 神 之 墓
保 大 十 五 年 仲 秋
本 社 奉 造
Phiên âm:
Hoàng triều Đại Nam Đà Phong Tiền hiền Phan tiên công sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần chi mộ.
Bảo Đại thập ngũ niên trọng thu.
Bổn xã phụng tạo.
Dịch nghĩa:
Mộ ngài tiền hiền làng Đà Phong nước Đại Nam Phan tiên công được sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần.
Giữa mùa thu năm Bảo Đại thứ 15.
Bổn xã phụng tạo.
Mặt sau khắc chữ Quốc ngữ ghi chức tước dưới các triều Trần, Lê, Nguyễn; ngày sinh, mất của ngài; nơi an táng; năm trùng tu tôn tạo mộ ngài. Trước tấm bia có một bàn thờ để nồi hương, hoa quả.
Mặt trước bia mộ ngài tiền hiền Phan Công Thiên
Mộ quay mặt về hướng Nam. Nấm mộ hình đa giác 7 cạnh, có diện tích 3,86×2,68×0,46m.
Mộ ngài tiền hiền Phan Công Thiên
Di tích gắn liền với tên tuổi của ngài Phan Công Thiên – là vị thủy tổ của tộc Phan Đà Sơn, là một trong bốn tiền hiền của làng Đà Sơn. Ngài đã có công trong việc khai cơ lập ấp, lập nên làng Đà Sơn – ngôi làng được thành lập sớm nhất và có vị trí rất quan trọng ở vùng đất phía Nam Hoá Châu vào buổi đầu lịch sử. Hiện nay, vẫn còn sắc phong của vua Bảo Đại ban cho “Tiền hiền Phan Công Thiên chi Thần”
Sắc phong ban cho “Tiền hiền Phan Công Thiên chi Thần”
Phan Công Thiên là một vị tướng thời Trần tài giỏi được nhân dân mến mộ ở tài năng và đức độ. Suốt 54 năm giữ chức “Đô chỉ huy kinh lược sứ” trấn thủ biên cương, Phan Công Thiên đã làm tròn trách nhiệm của mình giữ vững được vùng đất mà ông được giao cai quản mặc dù nhiều lần bị bên ngoài tiến đánh. Đồng thời, ông đã thực hiện được các chính sách khôn khéo nhằm thúc đẩy sức sản xuất phát triển tạo sự ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự an tâm và tin tưởng cho lưu dân, nhân dân bản địa xây dựng được nền móng cơ bản sự đoàn kết hoà hợp hai dân tộc Việt – Chăm, biến một vùng đất đơn sơ nghèo nàn lạc hậu trở thành một nơi dân cư đông đúc, phồn thịnh.
Ở góc độ khoa học, qua thân thế sự nghiệp của ông Phan Công Thiên, phần nào cho thấy cư dân của miền Trung Việt Nam không phải chỉ là “thuần Việt”. Một số người Champa hay “thổ dân” đã ở lại, cộng cư, pha trộn với những người mới đến. Đồng thời, góp phần trả lời được các câu hỏi như việc xác định các mốc thời gian trong tiến trình Nam tiến của Đại Việt cũng như việc làm sáng tỏ đối tượng nào đã tham gia vào dòng chủ lưu này; mối quan hệ giữa cư dân Việt – Chăm tại vùng đất Thuận Hóa.
Di tích Mộ ngài tiền hiền Phan Công Thiên đã được công nhận là di tích cấp thành phố theo Quyết định số 2491/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ngày 20/7/2021.
Nguồn : Sưu tầm