Văn chỉ La Châu

Văn chỉ La Châu
Lịch Sử
Khởi Công 1919
Hoàn Thành Không rõ
* Mục Cửa sổ Tri thức trên Báo Đà Nẵng cuối tuần có lần nói về các loại Văn miếu, Văn thánh, Văn từ, Văn chỉ. Xin cho biết Văn chỉ La Châu ra đời như thế nào và đây có phải là văn chỉ duy nhất còn lại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn thờ Khổng Tử và các môn đệ không?

Chi Tiết Về Văn chỉ La Châu

Văn chỉ La Châu Chi Tiết Cấp Tỉnh
Các văn bia cổ đã được tôn vinh, bảo vệ bên trong Văn chỉ La Châu. Ảnh: V.T.L
Các văn bia cổ đã được tôn vinh, bảo vệ bên trong Văn chỉ La Châu. Ảnh: V.T.L

- Văn chỉ La Châu tọa lạc tại làng La Châu, tổng Phước Tường thượng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).

Văn chỉ La Châu hiện còn 5 văn bia, trong đó văn bia lập năm Khải Định thứ 4 (1919) ghi: “Thánh từ chi thiết hữu tự lai hỉ. Hoàng triều Tự Đức ngũ niên, La Châu xã, Tuần phủ Đỗ Tiên Công, xướng tạo từ, nhân binh hỏa phần ư Thành Thái gian. Bản tổng hương thân cúng tiền lập văn hội, tiền hậu cụ hữu bi chí, phụng sự”. Nghĩa là: “Đền Thánh được lập ra đã có từ trước rồi. Năm Tự Đức thứ 5, ngài Tuần phủ người xã La Châu là Đỗ Tiên Công (tức Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh - ĐNCT) là người đề xướng tạo dựng đền thờ. Trong thời Thành Thái vì binh lửa nên đã bị cháy trụi. Các bậc hương thân trong tổng cúng tiền lập lại văn hội, trước sau đều có ghi trong văn bia”.    

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Tuấn trong bài viết giới thiệu về Văn chỉ La Châu dẫn lời các vị cao niên trong làng cho biết, Văn chỉ La Châu xưa quay mặt về phương Nam, gồm có hậu tẩm, chính đường và 3 gian tiền đường; chính đường đặt 4 văn bia, tiền đường đặt 2 văn bia. Ruộng tư điền trên một mẫu do các chức sắc trong làng quản lý, lãnh trưng để làm nguồn kinh phí tế tự hằng năm. Văn chỉ là nơi sinh hoạt tinh thần của nhân dân, là nguồn lực thúc đẩy sự nghiệp học vấn, bảo tồn nền văn hóa dân tộc ở địa phương. Ngày 15-3 âm lịch hằng năm, làng La Châu long trọng tổ chức lễ tế tại Văn chỉ, có rước sắc phong, đọc văn tế, thu hút nhân dân địa phương và các làng, xã lân cận.

Năm Ất Dậu (1885), để đối phó với phong trào Cần Vương ở Quảng Nam, quân Pháp đã thiêu hủy Văn chỉ La Châu. Đến năm Thành Thái thứ 16 (1904), Văn chỉ mới được trùng tu, sửa chữa. Năm Bảo Đại thứ 17 (1942), Văn chỉ tiếp tục được trùng tu, dựng một văn bia bằng đá cẩm thạch trắng nhằm ghi công đức, tài lực nhân dân và thân hào địa phương đóng góp. Kiến trúc của lần trùng tu sau cùng tồn tại cho đến năm 1969. Cũng trong năm 1969, Mỹ ném bom đánh sập hoàn toàn Văn chỉ La Châu, chỉ còn lại nền móng và 5 văn bia, trong đó vỡ 2 tấm. Rất may chữ viết trên những văn bia còn lại vẫn rõ ràng, dễ đọc, cho biết sự hình thành của Văn chỉ qua các thời kỳ lịch sử.

Theo Trang thông tin điện tử xã Hòa Khương, Văn chỉ La Châu được trùng tu hoàn thành vào ngày 20-10-2015 trên diện tích 1.500m2, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách UBND huyện Hòa Vang. Văn chỉ La Châu là văn chỉ duy nhất còn lại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn thờ Khổng Tử và các môn đệ, ra đời cách đây khoảng 200 năm có giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô cùng to lớn. Đây cũng là một biểu tượng ý nghĩa thể hiện truyền thống hiếu học của tầng lớp văn thân, sĩ phu và nhân dân tại địa phương lúc bấy giờ. Việc trùng tu, tôn tạo và đưa vào sử dụng công trình này không chỉ tôn vinh, tri ân các vị tiền nhân có công với nước, với dân, mà còn góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay.

Nguồn : Sưu tầm