Vết tích thành An Hải được phát hiện quanh khu vực đền thờ Bà Thân hạ xứ. Ảnh: H.L |
Theo tài liệu được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng, dọc phía hữu ngạn sông Hàn (nay thuộc quận Sơn Trà) từng được chia thành 4 xứ nhỏ gồm Bà Thân thượng xứ, Bà Thân trung xứ, Bà Thân hạ xứ và Bà Thân hậu xứ. Tương truyền, Bà Thân vốn họ Bà (một trong 7 tộc họ của người Chăm), tên Thân, đã có công lập chợ, xây dựng bến đò, hình thành nên làng An Hải. Để ghi nhớ công lao, sau khi Bà Thân qua đời, dân làng vùng Bà Thân hậu xứ đã lập đền thờ trên nền phế tích tháp Chăm, quanh năm hương khói.
Nằm trong khu vực phòng thủ trọng yếu ven vịnh Đà Nẵng của triều đình nhà Nguyễn buổi đầu kháng Pháp 1858-1860, Đền thờ Bà Thân hạ xứ trở thành nơi che chở, bảo hộ dân làng An Hải. Trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, đền thờ trở thành nơi lực lượng cách mạng đóng quân, che giấu vũ khí, lương thực, làm bàn đạp tiến đánh nhiều căn cứ địch ở nội thành Đà Nẵng.
Ngày nay, đền thờ Bà Thân hạ xứ được người dân xây dựng khang trang trên nền đất cũ và là điểm đến văn hóa, tín ngưỡng của khu dân cư An Hải nói chung và người dân sống ven vịnh Đà Nẵng nói riêng. Đặc biệt, có khá nhiều vết tích thành An Hải được phát hiện quanh khu vực đền thờ Bà Thân hạ xứ. Hằng năm, vào ngày 12 tháng 6 âm lịch, cộng đồng chư phái tộc khu dân cư An Hải tổ chức đám giỗ Bà Thân và thực hiện các nghi thức cầu mưa thuận gió hòa, nhân dân no ấm. Đây cũng là nơi UBND phường An Hải Bắc tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Sau khi đền thờ Bà Thân hạ xứ được ngành văn hóa công nhận di tích cấp thành phố, UBND phường An Hải Bắc đã thành lập Ban quản lý đền thờ nhằm triển khai tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng tại địa chỉ này.
Nguồn : Sưu tầm