Hãy đến thôn Phú Túc (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vào một ngày cuối năm trong cái nắng hanh hanh hòa quyện với hương rượu cần nồng thơm mùi nếp mới tỏa lên giữa núi đồi xanh ngát. Rượu cần đã trở thành nét văn hoá không thể thiếu của người Cơ Tu.
Rượu cần không chỉ là thức uống quý thường được dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng hay dành để đãi khách, mà còn là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời được người Cơ Tu gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Chịu muôn vàn tác động từ đời sống thường nhật, sản phẩm rượu cần truyền thống của đồng bào Cơ Tu trên dãy Trường Sơn trải qua bao thăng trầm, đứt đoạn. Những tưởng nghề nấu, ủ rượu cần nơi đây sẽ không còn nữa nhưng giờ đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, người dân Cơ Tu đã cùng nhau xây dựng lại thương hiệu “Rượu cần Phú Túc” nức tiếng từ xưa. Có thể nói rằng, rượu cần là một phần linh hồn của người Cơ Tu. Khi có dịp hội họp, mọi người cùng nhau ngồi lại trò chuyện bên ché rượu cần, say sưa trong tiếng cồng chiêng, hòa mình vào điệu múa tung tung da dá. Vì thế, rượu cần được xem như là chất xúc tác quý giá mà rừng thiêng đã ban tặng để gắn kết tình đoàn kết của dân tộc.
Cái ngon của rượu cần Cơ tu ở thôn Phú Túc khác với những nơi khác là rượu được làm từ nếp than trồng ở nương rẫy các huyện Tây Giang, Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) chứ không làm bằng gạo thường hoặc bột sắn nên rất thơm và ngon.
Đặc biệt, nếp này được trồng kéo dài 8 tháng mới thu hoạch, có màu tím than, nên khi lên men tiết ra mùi đường tự nhiên rất ngọt, do đó không cần bỏ men ngọt mà vẫn có nước màu hơi đỏ rất đẹp. Hơn nữa, trong khi đồng bào Tây Nguyên dùng lá chuối, còn miền Bắc dùng lá ổi để trên ché thì người Cơ tu dùng lá cây thục lục được lấy trên rừng nên tạo ra hương vị đặc trưng riêng.
Cách thưởng thức rượu cần cũng rất độc đáo, thể hiện rõ nét văn hóa của người dân tộc Cơ Tu. Họ thường giữ rất kỹ các ché đựng rượu, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Khi đem ra uống thì dùng ống cần làm bằng tre hoặc trúc đục thông lỗ để hút rượu.
Rượu cần Phú Túc là đặc sản được du khách trong và ngoài nước tìm mua khi đến với Đà Nẵng. Với lợi thế nằm ngay trên quốc lộ 14G, cạnh các khu du lịch sinh thái như Hòa Phú Thành, Núi Thần Tài, Ngầm Đôi nên cơ sở sản xuất rượu cần của ông Nghĩa luôn thu hút du khách đến tham quan và thưởng thức.
Trung bình mỗi ché rượu cần có giá từ 300.000-500.000 đồng (tùy theo thể tích 4-6 lít). Nhờ hoạt động sản xuất rượu cần truyền thống của người Cơ Tu, mà ông Nghĩa có thu nhập ổn định, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn.
Nguồn: Tổng hợp