Nghệ thuật bài chòi là một trong những hình thức nghệ thuật sân khấu dân tộc đặc sắc, được phát triển từ trò chơi bài chòi. Bài chòi từ hô tên quân bài làm vui ở hội chơi, dần phát triển thành các tiết mục hát rồi diễn xướng dân gian với hình thức kể chuyện và trở thành nghệ thuật sân khấu bài chòi.
Không ai biết chính xác hội bài chòi xuất hiện vào thời điểm nào. Tuy nhiên, từ khoảng 300–400 năm trước đây, loại hình vui chơi này đã được tổ chức thường xuyên ở các tỉnh Thừa Thiên – Huế vào những dịp lễ hội ngày xuân. Bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất và sự sáng tạo, trong nhiều thế kỷ qua, nghệ thuật bài chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Trung.
Nhà nghiên cứu Phùng Sơn cho biết: Trong chơi bài chòi, người chơi ngồi ở trong chòi để đánh. Người hô tên con bài – gọi là anh hiệu, sẽ rút con bài ra rồi đọc tên con bài đó. Những người ngồi dưới, ai sở hữu con bài đó sẽ giơ tay lên để nhận cờ. Sau này trò chơi được tăng thêm phần thú vị, người hiệu phải hát lên 1 câu trước khi nói tên con bài – như thế người chơi cũng được thưởng thức văn nghệ. Từ đó, những bài chơi hát lên được gọi là bài thai, đó là những câu thơ nhưng chưa đủ tiêu chí về nghệ thuật. Trò chơi thú vị nhưng đòi hỏi sự nhiêu khê trong khâu tổ chức. Vì vậy khi phục hồi lại loại hình đó, gọi là bài chòi để giữ tên gốc, nhưng thực tế đã được pha với tên bài thai
Bài chòi là môn nghệ thuật đa dạng, kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Về cơ bản, bài chòi là sân chơi của những ván cờ. Mỗi ván gồm có 30 quân cờ với 30 tên gọi khác nhau, được chia thành 10 loại thẻ gỗ. Người chơi sẽ được chọn mua các loại thẻ đó. Cuộc chơi bắt đầu diễn ra khi anh hiệu (người hô bài) bước đến ống thẻ cái, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần rút bài, anh hiệu sẽ đọc tên quân bài đó. Người nào ăn đủ 3 con (được 3 cờ) thì xem như thắng cuộc.
Vào xuất cờ, mọi người đều chăm chú và thích thú lắng nghe những điệu hát trước khi anh hiệu hô câu thai mang tên quân bài. Anh hiệu giỏi thường khéo léo hô một cách chậm rãi, khiến người nghe hồi hộp chờ đợi rồi đoán già đoán non đó là con bài gì. Đối với những người chơi, chuyện được – thua không quan trọng mà thú vị ở chỗ họ cùng thưởng thức những câu hát trầm bổng, nhịp nhàng, du dương như đọc thơ vậy.
Thu Sang - diễn viên của Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An chia sẻ: Đây là một hoạt động văn hóa. Những câu chúng tôi hát đều rất vui, mình hát đối đáp với nhau và diễn rất hài hước. Có những câu như hò vè, hát đối, hát ghẹo… và thường hát 2 người sẽ vui hơn.
Theo nhà nghiên cứu Phùng Sơn, bài chòi thu hút các vị khách quốc tế bởi các sân chơi đã được tái hiện theo đúng lối cổ và rất màu sắc. Bên cạnh đó, trong dàn nhạc bài chòi có tiếng trống cuốn hút những người mê nhạc jazz với tiếng trống là chủ lực. Chính vì vậy những người nước ngoài dù không hiểu lời bài hát nhưng lại bị say mê chất nhạc của bài chòi.
Bài chòi dựa trên sáu làn điệu chính: Xuân nữ cổ, Xuân nữ mới, Cổ bản, Xàng xê cũ (luỵ), Xàng xê mới (dựng), Hồ quảng (còn được gọi là Hò quảng). Ngoài ra, ở Đà Nẵng, Bài chòi còn có những làn điệu như: Hò khoan, hát ru, Vọng kim lang, vè Quảng Lí thương nhau, Hò giã vôi, Hoa chúc; các điệu lí như: Lí hò hê, Lí tình tang, Lí vọng phu, Lí vãi chài,… cộng với lối hát, lối nói tuồng mà hình thành nên những làn điệu bài chòi rất độc đáo. So với các địa phương có nghệ thuật Bài chòi, thì Bài chòi ở Đà Nẵng mang đậm tính dân gian và tích hợp được nhiều âm giai, âm hưởng của dân ca đất Quảng, đặc biệt là lối vừa hô vừa hát. Có thể nói, dân ca đất Quảng thấm đẫm trong ngôn ngữ Bài chòi. Bất cứ đề tài gì, người dân cũng đưa vào điệu hát Bài chòi. Vì vậy, Bài chòi ở Đà Nẵng và Quảng Nam mang hơi thở dân gian.
Nghệ thuật diễn xướng là một phần quan trọng làm nên thành công một hội Bài chòi. Diễn xướng (chủ yếu là xướng) bao gồm: nói lối, xuống hò và hát.
Khi các chòi đã có người chơi, anh, chị Hiệu đến từng chòi thu tiền và phát thẻ bài. Người điều khiển hội chơi Bài chòi là anh, chị Hiệu (người hô). Mở đầu trò chơi bằng một hồi trống chầu, anh, chị Hiệu đến trước ban tổ chức nói như nói lối Hát bội:
Hiệu phát bài đã đủ
Cho hiệu thủ bài tì.
Sau lời hô mở đầu, anh, chị Hiệu bắt đầu xuống, rồi luân phiên hò, hát giới thiệu lần lượt các con bài trong bộ Bài chòi.
Gió xuân phảng phất cành tre
Mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi
Bài chòi bài tới là 30 lá
Giang tay xớn xá là cái gã Ông Ầm
Trượt té xuống hầm là cái ông Tứ Cẳng
Nước da trăng trắng là cái chị Bạch Huê
(Một cổ hai kê)2 là anh chàng Chín Gối
Ba chìm bảy nổi là cái chị Sáu Ghe
Lập bạn lập bè là cái anh Ngủ Dụm
Lùm đùm lủm đủm xách bị đi xin, là cái anh Nhị Nghèo
Đã nghèo lại càng khổ, hay bươi hay mổ là cái chú Ba Gà
Có ngạnh có ngà là cái anh Tứ Tượng
Treo mùng ngủ nướng là cái chị Tam Quăn
(Đỏ đỏ, đen đen)2 bớ Dượng hắn kia kìa
Ớ bạn mình ơi, ớ bạn mình ơi, tôi hô con bài đầu…
Anh, chị Hiệu vừa hô và vừa bước ra đứng cạnh ống thẻ bài, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi bốc một con bài trong ống tre và hát. Sau những câu hát mở đầu, Hiệu đưa mắt nhìn con bài mình vừa bốc xem là con bài gì và hát làn điệu bài chòi mang tên con bài đó, cuối lời hô/hát Hiệu xướng tên thẻ bài lên rõ to cho tất cả mọi người đều nghe bằng chất giọng rặt phương ngữ tiếng Quảng không lẫn vào đâu được. Cứ như vậy, mỗi con bài là một lời hô/hát.
Anh, chị Hiệu tiếp tục hô các con bài cho đến khi chòi nào có đúng quân bài Hiệu đang hô thì người chơi cầm mõ gõ lên ba tiếng cắc – cắc – cắc hoặc xướng to lên "ăn rồi", lúc này người phụ việc sẽ đến trao cho một cây cờ đuôi nheo nhỏ. Người chơi ở chòi nào "ăn" đủ 3 con (được 3 cờ) thì hô "tới" và gõ một hồi mõ kéo dài. Lúc này trống tum, trống cán ở chòi trung tâm đánh vang lên, nghĩa là đã có người thắng và chấm dứt một ván bài.
Lời hô kết thúc: Cờ kia đã tới – Trống nọ đã giục xong – Hiệu đâu! Hãy mang rượu trầu và kim ngân trao cho người trúng thưởng đó nghe!…
Sau đó sẽ tiếp tục một ván bài khác.
Hiện nay, để bài chòi gần gũi và dễ hiểu hơn đối với du khách Việt, những lời cổ của bài chòi đã được thay thế bằng lời mới, như lời ông Phùng Sơn: Khi phục hồi lại, thì phải có lực lượng biên tập, sáng tác những lời mới. Bởi những làn điệu dân ca là cố định rồi, nhưng lời mới với những nội dung phản ánh thực tế của hiện tại. Những lời cổ đôi khi rất khó hiểu, nên khi viết bài chòi tôi cố gắng đưa ra những tình huống xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống. Thêm nữa, để chất dân ca đậm đặc, tôi không dám làm thơ, bởi bài chòi thường dùng những câu lục bát hoặc lục bát biến thể. Thế nên, nếu mình dùng lời mới quá thì chất dân ca mất đi, mà tôi chọn những câu ca dao đã có sẵn âm điệu, rồi từ những câu ca dao đó mình phát triển thêm để đưa vào con bài, như thế vẫn giữ nguyên được chất dân ca, du dương.
Nguồn : Sưu tầm