Nét riêng hò khoan Đà Nẵng
Hình thành trong môi trường đậm sắc thái dân dã, mộc mạc của nông thôn, những điệu hò khoan Đà Nẵng có nét đặc trưng riêng, khó nhầm lẫn với hò những vùng khác, chúng khá mộc mạc tinh tế, phong phú đa dạng, đồng thời là món ăn tinh thần của người dân, được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, năm 2006, khi thực hiện việc nghiên cứu sưu tầm văn hóa phi vật thể thuộc Chương trình mục tiêu năm 2006, Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Đà Nẵng (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã tổ chức điều tra, khảo sát, nghiên cứu loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian hát hò khoan của cư dân thành phố. Đây là lần đầu tiên, một hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về loại hình hát hò khoan được thực hiện. Từ tháng 6 đến tháng 11-2006, nhóm thực hiện đề tài đã tổ chức sưu tầm, khai thác, ghi chép từ những nghệ nhân hát hò khoan và những người cao tuổi ở các thôn Hưởng Phước, Quang Nam; Thổ Trại, Vân Dương II (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Họ là những “nhân chứng sống” trong việc gìn giữ các bài hò khoan cũng như những hồi ức về thời trẻ khi tham gia hát hò khoan trong thôn làng.
Công tác nghiên cứu cho thấy, trong tiến trình lịch sử, các lưu dân từ phía Bắc đến lập nghiệp trên vùng đất này đã mang theo hành trang của mình những câu hát, điệu hò để xoa dịu nỗi buồn xa quê và để quên đi mệt nhọc, tăng thêm niềm hưng phấn trong quá trình lao động khai khẩn đất hoang, cũng như để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Dần dần những câu hát dân gian biến đổi theo hoàn cảnh mới để trở thành vốn âm nhạc dân gian riêng biệt, đặc trưng của người dân xứ Quảng. Bắt nguồn từ đó, hò khoan góp phần làm phong phú thêm vốn liếng văn hóa dân gian của xứ Quảng, bên cạnh những thể loại như hò, lý, hát ru, đồng dao, hát bộ, bài chòi...
Những điệu hò khoan xứ Quảng là loại hình âm nhạc dân gian vừa có tính chất sôi nổi vừa trữ tình trong sáng, không ủy mị bi thương; độc đáo hơn là hình thành loại hình diễn xướng dân gian hò khoan đối đáp, một lối hát dân dã mang tính cộng đồng. Khi xuất hiện trên sân khấu, các điệu hò khoan xứ Quảng thường thể hiện dưới hình thức mở màn cho một vở dân ca kịch, hoạt cảnh.
Trong công trình nghiên cứu “Sưu tầm, phục dựng loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian hát hò khoan thành phố Đà Nẵng” nêu rõ, so sánh với các điệu hò miền Nam hay hò khoan miền Bắc, các tỉnh Nam Trung Bộ, đặc biệt nhất là hát hò khoan Lệ Thủy (Quảng Bình) nức tiếng... thì bên cạnh nét tương đồng như đều sử dụng các câu lục bát và song thất lục bát trong ca dao làm ca từ, hò khoan ở Đà Nẵng có nét đặc trưng riêng. Chẳng hạn, về lời ca thường có tiếng đệm lót và phương ngữ nhiều hơn các vùng khác. Ví như: bậu (bạn), mô (nơi đâu), chừ, rứa (đúng), ni (đây), tê (kia), qua, chi rứa, răng rứa…“Bậu về nằm nghĩ gác tay/ Hỏi nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta”; “Thiếp ơi! Nhớ khi mô chàng bỏ nón đi dầu/ Chàng dang tay che gió, thiếp cúi đầu chịu mưa”. Thổ ngữ địa phương đưa vào hò khoan Đà Nẵng tuy mộc mạc, giản dị song rất tinh tế, đôi lúc cũng hàm ý bóng gió, ví von thâm thúy hoặc chơi chữ khá độc đáo: “Gió đưa trăng, trăng đưa gió/ Trăng lặn rồi gió lại đưa ai/ Gió đưa nhơn vị tiền tài/ Hay là gió đợi ngày mai trăng về". Với đặc trưng vùng biển trải dài và những nhánh sông chảy về biển cả, nhiều câu hát hò khoan cùng làn điệu hò chèo thuyền mộc mạc xứ Quảng cũng được ra đời từ nơi đây và còn ngân vang cho đến ngày nay: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”.
Phát huy loại hình diễn xướng hò khoan
Âm nhạc dân gian, trong đó có diễn xướng hò khoan, là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, là hồn cốt của nền văn hóa dân tộc nói chung, địa phương sở hữu loại hình âm nhạc này nói riêng. Bên cạnh công tác sưu tầm và gìn giữ của các ngành chức năng, vốn liếng kho tàng các làn điệu hát hò khoan còn được lưu giữ trong đời sống nhân dân, mà mạch nguồn quan trọng nhất đó là các nghệ nhân hiện đang sinh sống ở huyện Hòa Vang.
Cho đến nay, Hòa Vang là một trong số ít địa phương còn duy trì các đội nghệ thuật diễn xướng hò khoan, tập trung chủ yếu ở xã Hòa Liên. Nhiều năm qua, các nghệ nhân và hạt nhân âm nhạc dân gian xã Hòa Liên đã góp phần quan trọng gìn giữ và đưa nghệ thuật hát hò khoan vào các hoạt động văn nghệ quần chúng.
Trong tâm tưởng của nghệ nhân Bùi Đức Tâm (62 tuổi, ở thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên), hát hò khoan thường được xướng lên vào những dịp trong xã có nhà cúng gia tiên, cúng thần nông, các đội hát hò khoan lại được mời tới hát và có nhiều người trong làng nghe tiếng hát cất lên thì tìm đến để cùng hát xướng từ chiều tối cho đến thâu đêm. Trong các cuộc hát này không chỉ hát giao duyên, nhân ngãi mà còn hát những lời ca ngầm ý giáo dục nhân cách, khuyên răn con trẻ trong cách ứng xử với các bậc sinh thành.
Ông Bùi Đức Tâm là nghệ nhân trẻ tuổi nhất trong số các nghệ nhân lớn tuổi có những đóng góp tích cực đối với công tác gìn giữ và phát huy loại hình diễn xướng hò khoan. Không chỉ có giọng hát hay, thường xuyên tham gia hoạt động văn nghệ ở địa phương, ông Tâm còn quan tâm đến việc truyền bá hình thức âm nhạc này đến thế hệ trẻ.
Vốn quý nghệ thuật dân gian vẫn còn đó, trong đó có hát hò khoan, nhưng trải qua dặm dài lịch sử và những đổi thay trong lối sống hiện đại, hiện nay hát hò khoan ít có đất diễn hơn. Thực tế có nhiều chương trình nghệ thuật được các đạo diễn, biên đạo chuyên nghiệp dàn dựng theo ý thích chủ quan mà không tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong việc bảo tồn vốn quý âm nhạc dân gian, khiến cho quá trình dàn dựng tác phẩm bị áp đặt, lai tạp các giá trị truyền thống.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, thành viên tham gia dự án “Sưu tầm, phục dựng loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian hát hò khoan thành phố Đà Nẵng” nêu vấn đề, gần đây, thành phố có một vài công trình nghiên cứu nhỏ đã đề cập đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc các điệu hò xứ Quảng, trong đó có loại hình diễn xướng hò khoan song mới chỉ dừng lại ở bước giới thiệu sơ qua, chưa khai thác sâu vào những giá trị đặc trưng của loại hình này cũng như những giải pháp thực thi có hiệu quả. Ông Thiện cũng bày tỏ trăn trở, nhiều năm qua, nguồn kinh phí dành cho cho các hoạt động văn hóa dân gian còn quá ít ỏi chưa xứng tầm. Chúng ta cần ý thức rằng, âm nhạc dân gian là một phần không thể tách rời trong đời sống, xã hội của người dân Đà Nẵng, nó cũng chính là hồn cốt của dân tộc.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chỉ rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại". Việc nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng để nghệ thuật hát hò khoan thích nghi với đời sống đương đại cũng không nằm ngoài quy luật vận động và dòng chảy văn hóa dân gian theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng. Gìn giữ và phát huy loại hình diễn xướng hò khoan vì thế càng cần được quan tâm để làm sống lại sức sống của văn hóa, âm nhạc dân gian truyền thống.
Trong tiến trình lịch sử, các lưu dân từ phía Bắc đến lập nghiệp trên vùng đất này đã mang theo hành trang của mình những câu hát, điệu hò để xoa dịu nỗi buồn xa quê và để quên đi mệt nhọc, tăng thêm niềm hưng phấn trong quá trình lao động khai khẩn đất hoang, cũng như để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Dần dần, những câu hát dân gian biến đổi theo hoàn cảnh mới để trở thành vốn âm nhạc dân gian riêng biệt, đặc trưng của người dân xứ Quảng. Bắt nguồn từ đó, hò khoan góp phần làm phong phú thêm vốn liếng văn hóa dân gian của xứ Quảng, bên cạnh những thể loại như hò, lý, hát ru, đồng dao, hát bộ, bài chòi... |
Nguồn : Sưu tầm