Nhà trưng bày Hoàng Sa: Địa chỉ đỏ giáo dục tình yêu biển, đảo

Nhà trưng bày Hoàng Sa: Địa chỉ đỏ giáo dục tình yêu biển, đảo
Địa điểm
Giới thiệu
Nhà trưng bày Hoàng Sa được thành lập tháng 8-2017, tọa lạc tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Hiện nay, Nhà trưng bày có hơn 300 tư liệu, hiện vật, bản đồ, hình ảnh… phản ánh quá trình lịch sử từ những ngày đầu khi các chúa Nguyễn khai phá, xác lập chủ quyền cho đến nay. Nơi đây còn là địa chỉ đỏ để người dân, du khách, nhất là thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, cảm nhận về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Chi Tiết Về Nhà trưng bày Hoàng Sa: Địa chỉ đỏ giáo dục tình yêu biển, đảo

Nhà trưng bày Hoàng Sa: Địa chỉ đỏ giáo dục tình yêu biển, đảo Chi Tiết

Từ các hiện vật, tư liệu khẳng định chủ quyền

Nội dung trưng bày theo 5 chủ đề, gồm: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa; bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa thời các chúa Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam thời nhà Nguyễn; bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa năm 1945-1975 và bằng chứng giai đoạn từ 1974 đến nay.

Khách tham quan được chiêm ngưỡng các hiện vật trưng bày từ tầng 1 đến tầng 4 bởi hệ thống các tư liệu bằng hình ảnh động và tĩnh. Hơn nữa, tư liệu, hiện vật được tích hợp đa phương tiện như video, kết hợp với hệ thống bản đồ, sa bàn tổng quan về vị trí địa lý, tự nhiên, hành chính Hoàng Sa…

Toàn cảnh nhà trưng bày Hoàng Sa

Tại đại sảnh của Nhà trưng bày là cột bia chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam đứng hiên ngang cao vút. Chị Trần Thị Lê Na, thuyết minh viên cho biết: Cột bia chủ quyền này do người Pháp dựng năm 1938 khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa liên tục từ năm 1916 (niên hiệu Gia Long thứ 14) đã thuộc chủ quyền của vương quốc An Nam. Cũng tại sảnh này, có ngọn đuốc Hoàng Sa được tái hiện với ý nghĩa ngọn lửa Hoàng Sa sẽ luôn thắp sáng ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam, cùng ảnh của lãnh đạo Việt Nam khi khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Chỉ vào tấm bản đồ: An Nam đại quốc họa đồ, xuất bản năm 1838, thuyết minh viên Trần Thị Lê Na giới thiệu: Năm 1816 vua Gia Long đã cho người đến cắm cờ và tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa mà không gặp bất cứ ai tranh chấp. Bên mô hình chiếc thuyền đơn sơ một thời oanh liệt cha ông ta từng rẽ sóng ra bảo vệ quần đảo thân yêu, kể về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của cư dân Lý Sơn ngày trước. Giọng Trần Thị Lê Na da diết: "Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”; “Chiều chiều ra ngóng biển xa/ Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về".

Nhiều khách tham quan ấn tượng với lá cờ Tổ quốc rộng hơn 100m2 của cụ Phạm Thị Phán ở thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng, TP. Hải Dương tặng Nhà trưng bày kèm theo bức tâm thư; bác sĩ Nguyễn Tăng Tri tặng sách tư liệu lịch sử-địa lý liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa hay các tư liệu quý do TS sử học Nguyễn Nhã, TS Trần Đức Anh Sơn trao tặng…

Đến những cảm xúc về tình yêu biển, đảo

Từ khi đi vào hoạt động, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã đón hơn 60 nghìn lượt khách tham quan, tìm hiểu, học tập. Ngoài khách nội địa, các trường học, đơn vị trên địa bàn thành phố, một số đơn vị lữ hành cũng đã liên hệ đưa khách nước ngoài đến tham quan.

Lật cuốn sổ lưu bút, chúng tôi ấn tượng với những dòng chữ của em Trần Gia Minh, học sinh lớp 11A5, trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh: “Cha ông ta đã có câu tấc đất tấc vàng, câu nói ấy chưa bao giờ hết tính thời sự. Qua chuyến tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa, chúng em ngày càng hiểu rõ và thêm yêu biển, đảo quê hương”.

Sinh viên trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa

Còn em Nguyễn Ngọc Diễm, học sinh Trường THCS Hoàng Sa, quận Sơn Trà TP. Đà Nẵng viết: Chúng em được dạy, được học rằng Hoàng Sa là một phần máu thịt của Tổ quốc. Tuy nhiên, trực tiếp nhìn thấy những hiện vật và nghe thuyết minh về Hoàng Sa, em hiểu rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và càng tự hào về ngôi trường mình đang theo học được vinh dự mang tên Hoàng Sa.

Chị Vũ Thị Mai, quê ở TP. Hải Phòng chia sẻ: Được tham quan và nghe giới thiệu về kiến trúc của Nhà trưng bày Hoàng Sa, tôi rất ấn tượng với ý tưởng đưa con dấu của nhà Nguyễn-tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa từ thế kỷ 18 trong nhà trưng bày và hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bằng đèn LED rực sáng... Có dịp, tôi sẽ đưa gia đình đến đây tham quan để nhân thêm tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc.

Để Nhà trưng bày Hoàng Sa là điểm du lịch, văn hóa, lịch sử hấp dẫn, UBND TP. Đà Nẵng đang tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật mới về Hoàng Sa đồng thời kết nối với các đơn vị lữ hành để giới thiệu Nhà trưng bày Hoàng Sa đến đông đảo du khách trong nước cũng như quốc tế.

Nguồn : Sưu tầm