1. Giới thiệu chung về Gỏi cá Nam Ô
Sở dĩ gọi là Gỏi cá Nam Ô là bởi vì chính ngôi làng chài nhỏ Nam Ô ven biển cách trung tâm thành phố Đà Nẵng tầm chừng 10km về phía Bắc là cái nôi của món gỏi độc đáo này. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá truyền thống. Đều đặn ngày này qua tháng nọ, ngư dân nơi làng chài lại căng buồm ra khơi khi trời chập choạng tối và chỉ trở về nhà khi mặt trời từ từ ló dạng nơi đường chân trời.
Thường thì các loại cá có giá thành cao sẽ được ngư dân bán cho các thương lái sẽ đưa về các nhà hàng, các chợ. Phần cá còn lại sẽ được người dân làng chài giữ lại ủ mắm hoặc nấu ăn. Còn những mẻ cá trích tươi nguyên sẽ được chuyển tới các nhà hàng, quán ăn trong thành phố để chế biến thành những đĩa Gỏi cá Nam Ô nổi tiếng vang danh cả một vùng. Thậm chí, những dĩa Gỏi cá Nam Ô ngon đến mức được mọi người ưu ái gọi là ‘sashimi của Việt Nam’ nữa đó.
Sở dĩ sử dụng cá trích để làm món gỏi nổi tiếng trên bản đồ đặc sản Đà Nẵng nổi tiếng là bởi vì đây là loại cá có vị rất ngon và ngọt thịt, thích hợp để ăn sống mà không có vị tanh lạ cực kì thơm ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng.
2. Điều làm nên sự đặc biệt của món Gỏi cá Nam Ô vang danh cả một vùng
2.1 Gỏi cá Nam Ô đặc biệt với cách chế biến độc nhất vô nhị
Đa phần những người lần đầu thưởng thức món Gỏi cá Nam Ô sẽ cảm thấy đôi chút lúng túng khi được chủ quán hỏi rằng dùng gỏi khô hay gỏi ướt. Điều này cũng dễ hiểu thôi là bởi vì gỏi cá Nam Ô gồm hai dòng, gồm dòng gỏi khô cho người vừa ăn lần đầu, đang băn khoăn không biết thưởng thức món này thế nào cho phải và dòng gỏi ướt dành cho hội tín đồ ẩm thực sành sõi.
Cả gỏi khô hay gỏi ướt đều được chế biến hoàn toàn từ những con cá trích tươi rói vừa được đánh bắt, chỉ khác nhau ở mỗi công đoạn chế biến cuối cùng mà thôi. Cá trích dùng để chế biến món gỏi này phải là những con cá vẫn còn tươi, thịt mẩy bởi nếu cá đã để lâu thì khi chế biến sẽ không ra được mùi thơm đặc trưng, ngược lại gây cảm giác khó chịu cho thực khách.
Cá sau khi được mang về sẽ được làm sạch, bỏ hoàn toàn phần đầu, ruột, vảy và những bộ phận thừa khác. Sau đó, đầu bếp sẽ nêm thêm tí muối, giấm vào nước để rửa cá sạch hơn, đồng thời khử mùi tanh đặc trưng của cá nữa. Trải qua mấy lần rửa nước như thế trước khi cá chỉ còn lại mùi thơm đặc trưng mới thôi. Cá sau khi rửa sạch sẽ được mang đi phơi cho thật khô, sau đó mới rọc lấy phần thịt lưng.
Giai đoạn rọc thịt cá phải nói là cực kỳ khó và chỉ có những người đầu bếp có nhiều kinh nghiệm mới có thể thực hiện được. Bởi vì phải rọc cho thật khéo để tránh tình trạng xương dăm vào thịt cá, sau đó lại phải cắt miếng thịt phile ấy thành nhiều lát mỏng. Điều đặc biệt của món Gỏi cá Nam Ô là lát thịt cá phải được thái càng mỏng càng tốt để gia vị có thể ngấm đều, đồng thời dĩa cá khi dọn ra cũng trông đẹp mắt và hấp dẫn hơn.
Đối với món Gỏi cá Nam Ô khô thì cá sau khi được sơ chế sạch sẽ và để cho ráo nước rồi thì sẽ được trộn cùng với các loại gia vị đặc trưng như thính, vừng rang, lạc rang, bánh tráng nướng giã nhỏ cùng nhiều loại mắm, muối, nước mắm ngon và cả giấm nữa. Bước này sẽ giúp cho cá được áo một lớp bột mỏng, góp phần tăng thêm vị ngậy, béo cho thịt cá.
Còn ngược lại với món Gỏi cá Nam Ô ướt thì sau khi sơ chế sạch sẽ, cá sẽ được mang đi tẩm ướp cùng với gừng, riềng, tỏi, ớt băm nhuyễn và ngâm trong nước dùng pha với nước mắm để tạo ra hương vị đặc trưng của món ăn này. Nghe thôi cũng cảm thấy hấp dẫn đúng không nào?
2.2 Gỏi cá Nam Ô đặc biệt với chén nước chấm ‘thần thánh’
Tuy nói rằng cá trích chính là ‘hoa hậu’ của món gỏi cá độc đáo này thì chén nước chấm cũng nổi danh chẳng kém và là thành phần quan trọng không thể thiếu, góp phần tạo nên hương vị khó quên. Nước chấm dùng để chấm gỏi cá phải là loại nước chấm được chế biến theo công thức gia truyền với mỗi người một cách khác nhau, tạo nên hương vị riêng biệt cho từng quán.
Nước chấm được làm từ phần nước ép ra từ cá sau khi tẩm ướp. Điều này vừa giúp cho cá nhanh ráo nước vừa có thể tận dụng hoàn toàn phần nước ép này để làm nên chén nước chấm thơm ngon hấp dẫn.
Phần nước ép cá sau đó sẽ được mang đi đun sôi cùng cà chua, thêm thắt thêm tí nước mắm Nam Ô nổi tiếng cùng xíu ớt, riềng, bột năng và các loại gia vị khác để tăng thêm hương vị. Khi dọn ra cho thực khách, đầu bếp sẽ trộn thêm xíu vừng, đậu phộng rang giã nhuyễn để dậy mùi thơm đồng thời tăng thêm độ béo hấp dẫn cho món gỏi cá nổi tiếng.
2.3 Dùng Gỏi cá Nam Ô thì không thể không có rổ rau rừng tươi xanh mơn mởn
Sẽ là một thiếu sót cực kỳ lớn nếu như bạn thưởng thức món Gỏi cá Nam Ô này mà lại thiếu đi rổ rau rừng tươi non mơn mởn. Thường thì các loại rau rừng dùng để ăn kèm với gỏi cá cực kỳ đa dạng, nào lá cóc rừng, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng, v.v.
Đây là các loại lá rừng mọc ở vùng núi dưới chân đèo Hải Vân, cực khó để hái về và phải trải qua quá trình bảo quản kỹ càng để khi dọn ra cho thực khách, rau vẫn giữ được độ tươi ngon hấp dẫn. Không chỉ có thế, nhiều quán còn kết hợp với các loại lá mơ, đinh lăng, tía tô, xà lách, giá đỗ, bắp chuối, dưa chuột, xoài, chuối chát, v.v. để tăng thêm vị đậm đà cho từng cuốn gỏi cá Nam Ô độc đáo.
2.4 Gỏi cá Nam Ô đặc biệt với cách ăn giản dị nhưng trọn vị
Theo các tín đồ ẩm thực sành ăn thì có hai cách để thưởng thức trọn vị của món Gỏi cá Nam Ô này. Cách thứ nhất là cho rau, cá lên bánh tráng rồi cuốn lại, sau đó chấm cùng với nước chấm để có thể cảm nhận trọn vẹn cái tươi ngon của thịt cá, cái đậm đà của nước chấm, cái cay cay của nào ớt nào gừng.
Cách thứ hai là bạn trộn đều các nguyên liệu như cá, rau, thêm xíu nước chấm và dùng kèm với bánh tráng nướng. Cách ăn này sẽ giúp cho các nguyên liệu của dĩa gỏi cá trở nên đậm đà hơn và có thêm sự giòn tan của bánh tráng nướng, ăn vừa thích thú lại ngon miệng hơn cả.
Gỏi cá Nam Ô là một trong những món ngon Đà Nẵng nổi tiếng mà bạn không nên bỏ lỡ nếu có dịp về với thành phố biển miền Trung xinh đẹp. Hẹn bạn một ngày đẹp trời tụi mình cùng nhau đi ăn Gỏi cá Nam Ô nhé!
Nguồn : Sưu tầm